AEC 2015: Đan xen lợi ích và thách thức

AEC 2015: Đan xen lợi ích và thách thức

Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC 2015) sẽ khơi thông dòng chảy thương mại nội khối, thu hút sự quan tâm cao của các đối tác Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những lợi ích và thách thức đan xen.

Với việc hiện thực hóa AEC vào năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung để thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động trong khối.

Hiện Việt Nam đã hoàn thành việc đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với khoảng 80% dòng thuế, đến ngày 1/1/2015 sẽ xóa bỏ thêm 13-15% dòng thuế nữa, khoảng 7% dòng thuế còn lại sẽ thực thi linh hoạt cho tới năm 2018.

Theo ông Hoàng Văn Phương- Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)- xét về cơ hội, sự hội nhập ASEAN sâu rộng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội về thị trường hơn do chi phí lưu chuyển hàng hóa hạ xuống mức thấp. AEC cũng sẽ giúp lao động Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt với những người có tay nghề, chuyên môn cao.

Từ khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt là về kinh tế nhờ đẩy mạnh quá trình xúc tiến đầu tư, tăng cường xuất khẩu giữa các thị trường nội khối.

AEC sẽ hình thành sau khoảng 1 năm nữa. Hiện là giai đoạn “nước rút” để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, định hình lại vị thế của mình trong khu vực và chuẩn bị tốt hơn cho sự cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chỉ đứng sau 2 thị trường lớn là Mỹ và EU. Điều này thể hiện hoạt động lưu thông hàng hóa nội khối của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu nhìn nhận AEC như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu. Song, mục tiêu của AEC không chỉ là tiếp cận thị trường riêng lẻ mà là sự kết nối thành “một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất”, đây mới chính là lợi ích dài hạn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới.

Bên cạnh đó, nguy cơ của nền kinh tế chỉ dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, công nghệ thấp đặt ra những thách thức lớn hơn. Lao động chất lượng thấp đồng nghĩa với tính kém đa dạng của các loại kỹ năng, khả năng sáng tạo, trong khi công nghệ thấp sẽ làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu. Do đó, Việt Nam có thể mất tính cạnh tranh so với các đối thủ trong nội khối về chất lượng hàng hóa và quy mô thị trường.

Hùng Cường

Công thương