Chất lượng giám sát đầu tư còn đáng lo hơn

Chất lượng giám sát đầu tư còn đáng lo hơn

Trong số 34.000-36.000 dự án đầu tư công đang thực hiện, chỉ khoảng 60% là có thực hiện báo cáo giám sát. Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu ra con số trên tại hội thảo xây dựng định hướng chiến lược về giám sát và đánh giá đầu tư công thời kỳ 2015-2020 vào tuần trước để cho thấy tình trạng lỏng lẻo trong hoạt động giám sát đầu tư công.

Tùy tiện Đầu tư công: Những dự án công tốn tiền ngân sách

Hàng ngàn tỉ đầu tư sai, Bộ KHĐT thiếu tiền

Từ đó ông kết luận: “Đây là vấn đề cho thấy vì sao đầu tư công trong thời gian qua không hiệu quả”.

Đại lộ Đông - Tây quận 2 TPHCM bị lún một phần do thiếu giám sát trong quá trình thi công

Thế nhưng, sự lỏng lẻo thể hiện qua tỷ lệ số dự án được giám sát vẫn không đáng lo bằng sự lỏng lẻo trong nội dung và cách thức thực hiện hoạt động này.

Để hoạt động giám sát có hiệu quả thiết thực thì ít nhất phải hội đủ hai yếu tố, đó là tính độc lập và sự chuyên nghiệp. Các báo cáo giám sát gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều không đáp ứng được hai yếu tố này.

Theo Thông tư số 13 hướng dẫn Nghị định 113 của Chính phủ, việc giám sát chủ yếu do người ra quyết định đầu tư, hay nói cách khác là do chính chủ đầu tư của dự án, thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu làm công tác tổng hợp các báo cáo được gửi về. Con số 60% dự án được giám sát mà ông Tự nói đến chính là những báo cáo này.

Để cho chủ đầu tư tự thực hiện báo cáo giám sát thì không còn mang tính độc lập, và do đó tính khách quan và trung thực của kết quả giám sát là dấu hỏi lớn cần phải đặt ra.

Ngoài ra, Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp cũng đảm nhận nhiệm vụ giám sát đầu tư công. Vai trò này của các cơ quan dân cử đáp ứng được yếu tố độc lập. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động giám sát của các đại biểu dân cử được tường thuật trên báo chí và truyền hình, không khó để chúng ta nhận ra hoạt động này mang ý nghĩa hành chính hơn là thực chất. Bản thân các đại biểu dân cử không phải là người có chuyên môn sâu và có kỹ năng giám sát chuyên nghiệp, thì khó mà hy vọng đạt được kết quả thiết thực.

Rõ ràng, với nội dung giám sát nặng tính hành chính thì không thể nào phát hiện dự án có bị thất thoát hay các hạng mục công trình có được làm đúng thiết kế hay không? Đây mới là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư và cần phải được giám sát chặt.

Trao quyền giám sát đầu tư công cho các cơ quan dân cử là đúng. Tuy nhiên, để các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân có thể làm nhiệm vụ giám sát một cách thiết thực, chứ không phải hình thức, các đại biểu dân cử cần có chuyên gia giúp việc cho mình.

Ngoài ra, chúng ta cũng nói nhiều đến cụm từ “nhân dân giám sát”, nhưng lại không tạo ra được một cơ chế thích hợp để người dân có thể thực hiện quyền này. Chẳng hạn thiết lập những kênh chính thức để các đại biểu dân cử tiếp nhận thông tin từ người dân; hoặc đại biểu dân cử được quyền tổ chức những phiên điều trần công khai để mọi người dân có thể tham gia và chất vấn chủ đầu tư...

Tóm lại, nếu chúng ta không thay đổi, thì cho dù 100% dự án được giám sát theo cơ chế, cách thức như hiện nay, thì đó vẫn chỉ mang tính hình thức và sẽ chẳng mang lại mấy kết quả.

Thời báo kinh tế Sài Gòn