Chứng khoán Việt Nam có đủ chuẩn để MSCI nâng hạng thành thị trường mới nổi?

Chứng khoán Việt Nam có đủ chuẩn để MSCI nâng hạng thành thị trường mới nổi?

Bloomberg đưa tin Việt Nam đang nỗ lực để được MSCI nâng vị thế từ “thị trường sơ khai” (FM) lên “thị trường mới nổi” (EM) nhằm thu hút thêm nhà đầu tư quốc tế đến với thị trường chứng khoán (TTCK).

 

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK cho biết UBCKNN (SSC) đã thành lập một nhóm nghiên cứu để tìm hiểu các tiêu chuẩn cần thiết để được nâng lên vị thế thị trường mới nổi.

“Nếu chúng ta được thăng hạng, đó sẽ là một cơ hội rất lớn. Quy mô của chỉ số sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn nữa.”, ông Michael Kokalari, chuyên viên phân tích của CIMB Securities International Ltd. tại TpHCM, trả lời phỏng vấn Bloomberg qua điện thoại hôm 29/09.

Tuy nhiên, ông Chin-Ping Chia - Giám đốc điều hành MSCI tại Hồng Kông - cho biết hiện nhà cung cấp chỉ số này chưa xem xét lại phân loại của TTCK Việt Nam.

Theo quy định được đăng tải trên trang web của MSCI, để được xếp hạng thị trường mới nổi, một TTCK phải hết sức thông thoáng đối với sở hữu của NĐTNN và dòng vốn trên thị trường phải dịch chuyển dễ dàng, cũng như đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản và vốn hóa thị trường tối thiểu.

Việt Nam đã lên kế hoạch sáp nhập hai Sở giao dịch Chứng khoán, nới lỏng quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN và bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy sự phát triển của TTCK hiện đang có quy mô 60 tỷ USD.

Ông Sơn cho biết Chính phủ vẫn đang xem xét đề xuất nâng room cho NĐTNN trong một số lĩnh vực lên 60% và các cơ quan quản lý đang làm việc để hoàn thành kế hoạch sáp nhập HOSE và HNX.

Được biết, chỉ số chứng khoán của Qatar (Qatar Exchange Index) và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất - UAE (Abu Dhabi Securities Market General Index) đã nhảy vọt ít nhất 38% trong vòng 12 tháng sau khi MSCI cho biết sẽ nâng hai quốc gia này lên vị thế thị trường mới nổi vào tháng 6/2013.

Để được thăng hạng, Việt Nam cần nới lỏng quy định về room NĐTNN

Các thị trường mới nổi trong các chỉ số của MSCI có vốn hóa thị trường bình quân khoảng 564 tỷ USD trong khi yêu cầu đối với các thị trường sơ khai chỉ khoảng 30 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, chỉ số của các thị trường sơ khai đã tăng 18%, thấp hơn mức tăng 21% của chỉ số VN-Index.

Theo nhận định của ông Thomas Hugger, Giám đốc điều hành Asia Frontier Capital tại Hồng Kông, MSCI sẽ không xem xét nâng vị thế của Việt Nam nếu Việt Nam không nới lỏng các quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN. Tại một số doanh nghiệp lớn nhất, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN đã chạm mức tối đa cho phép là 49%, khiến các nhà đầu tư quốc tế gặp khó khăn trong việc mua tất cả các cổ phiếu mà họ mong muốn. Ông Hugger cho biết NĐTNN cần sự gia nhập đáng kể vào thị trường Việt Nam.

TTCK Việt Nam trong tương quan với “những người đi trước”

Đối với UAE và Qatar, hai thị trường mới nhất được nâng vị thế và gia nhập chỉ số của các thị trường mới nổi, quá trình xem xét kéo dài 5 năm đã đem lại kết quả mỹ mãn. Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số ADX General Index của Abu Dhabi đã tăng 44% kể từ khi MSCI tuyên bố nâng hạng, đẩy giá trị TTCK nước này tăng thêm 33.5 tỷ USD. Cùng kỳ, chỉ số DFM General Index của Dubai cũng tăng hơn gấp đôi trong khi Qatar Exchange Index nhảy vọt 47%. Trong khi đó, chỉ số MSCI Emerging Markets Index chỉ tăng 4.2%.

TTCK Qatar đã hút kỷ lục 2.3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay trong khi TTCK Dubai cũng tiếp nhận khoảng 1.35 tỷ USD kể từ ngày 21/05, một tuần trước khi thông báo nâng vị thế có hiệu lực.

Tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn “dưới tiềm năng”, trả lời phỏng vấn của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HNX hôm 23/09.

Dù NĐTNN đã trở thành người mua ròng trên TTCK Việt Nam gần 9 năm liên tiếp nhưng tổng lượng thu hút ròng từ đầu năm đến ngày 30/09 chỉ đạt 227.5 triệu USD, thấp hơn đáng kể so mức rót ròng 4.2 tỷ USD vào Indonesia và 1.3 tỷ USD vào Philippines, hai quốc gia được MSCI phân loại là thị trường mới nổi.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày từ đầu năm đến ngày 30/09 trên HOSE là khoảng 99 triệu USD (tương đương 2.1 ngàn tỷ đồng), so mức 521 triệu USD của Indonesia và 837 triệu USD của Singapore.

“Chìa khóa để thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài là một cuộc cải cách thực sự của ngành ngân hàng, tái cơ cấu lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và nâng cao tỷ lệ sở hữu của NĐTNN”, quan điểm của ông James Bannan, người điều hành quỹ đầu tư Frontier Markets Fund có quy mô 140 triệu USD thuộc Coeli Asset Management tại Malmoe, Thụy Điển.

Phước Phạm (Theo Bloomberg)