Dịch vụ bảo vệ thực vật: Lối mở cho nông sản an toàn?

Dịch vụ bảo vệ thực vật: Lối mở cho nông sản an toàn?

Bao lâu nay, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) “vô tội vạ” vẫn là vấn đề nan giải của ngành nông nghiệp. Đề án thí điểm phát triển dịch vụ BVTV đang được Bộ NN&PTNT soạn thảo liệu có giải quyết triệt để được vấn đề nan giải này?

80% thuốc BVTV dùng sai cách

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thói quen canh tác của người nông dân hiện nay dựa vào thuốc bảo vệ thực vật là chính, làm tăng chi phí đầu tư trong nông nghiệp và gây ra nhiều lệ lụy nghiêm trọng. Ngoài gây ra tâm lý bất an cho người tiêu dùng, tình trạng nông sản luôn có nguy cơ cao tồn dư thuốc BVTV còn khiến việc XK vào các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao trở nên khó khăn.

Trên thực tế, việc lạm dụng thuốc BVTV không còn mới mẻ. Thậm chí, các chuyên gia quốc tế còn cho rằng có đến 80% lượng thuốc BVTV tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, lãng phí, gây mất an toàn thực phẩm, giảm tính bền vững của sản xuất.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt phân tích: Hiện nay, công tác phòng chống dịch hại trên các loại cây trồng đều do người sản xuất thực hiện nên xác định loài dịch hại không chính xác, không biết chọn mua thuốc BVTV...

Trong khi nhận thức, hiểu biết của người sử dụng còn hạn chế thì thuốc BVTV lại được buôn bán rộng khắp đến tận thôn ấp, nông dân chủ yếu dựa vào “kê đơn” của người bán thuốc để quyết định việc sử dụng. Vì lợi nhuận, người bán thuốc thường tư vấn để bán được nhiều thuốc, dẫn tới tình trạng pha chế thuốc không đúng nồng độ, lượng dung dịch thuốc phun không đảm bảo...

Đề án mở đường?

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, việc có quá nhiều người sử dụng thuốc BVTV chính là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng khó kiểm soát việc sử dụng thuốc cũng như việc hướng dẫn sử dụng thuốc đúng nguyên tắc.

“Nếu có sự liên kết, tổ chức sản xuất, hình thành tổ chức dịch vụ BVTV với trang thiết bị phù hợp thì chỉ cần 4 đến 6 người có thể phòng trừ dịch hại trên diện tích tương đương với 100 người như hiện nay. Khi số người sử dụng thuốc giảm tới 94%, sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV hiệu quả ”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.

Hiện nay, Cục BVTV đã hoàn thiện dự thảo “Đề án thí điểm phát triển dịch vụ BVTV giai đoạn 2015-2017” và dự thảo Quyết định ban hành một số chính sách thí điểm phát triển dịch vụ BVTV của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo Đề án, hợp tác xã nông nghiệp sẽ thành lập tổ dịch vụ BVTV hoặc các tổ chức, cá nhân thành lập tổ hợp tác dịch vụ BVTV gồm tổ trưởng và các tổ viên trên tinh thần tự nguyện và có trách nhiệm. Hoạt động dịch vụ BVTV dựa theo hình thức dịch vụ, thỏa thuận với người lao động và với chủ thực vật.

Ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: Sử dụng hình thức dịch vụ BVTV không chỉ khiến việc dùng thuốc hiệu quả, khoa học hơn mà còn góp phần giảm nguy cơ độc hại tới con người. Bởi, người trực tiếp làm dịch vụ BVTV phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, BVTV, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về BVTV; có trang thiết bị làm dịch vụ BVTV phù hợp...

Dự kiến, Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần kinh phí thành lập tổ đội dịch vụ BVTV, tập huấn nghiệp vụ về BVTV, mua tài liệu với mức không quá 2 triệu đồng cho mỗi thành viên của tổ dịch vụ; hỗ trợ một lần kinh phí thực tế mua máy phun rải thuốc với mức không quá 3 triệu đồng/10 ha ký hợp đồng dịch vụ; hỗ trợ thành viên của tổ dịch vụ BVTV 100% chi phí đóng bảo hiểm.

Thanh Nguyễn

hải quan