Hàng ngàn tỉ đầu tư sai, Bộ KHĐT thiếu tiền

Hàng ngàn tỉ đầu tư sai, Bộ KHĐT thiếu tiền

Hàng trăm dự án bố trí vốn không đúng, hàng ngàn tỉ ngân sách không rõ đi đâu nhưng Bộ KHĐT vẫn than thiết tiền.

Số liệu báo cáo Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, chỉ riêng trong vòng 2 năm 2013 – 2014, đã có hàng trăm dự án được bố trí vốn không đúng quy định với số vốn kế hoạch lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Năm 2014, tổng vốn ngân sách trung ương rà soát là 62.431 tỷ đồng, gồm 47.579 tỷ đồng vốn trong nước và vốn ngoài nước là 14.852 tỷ đồng.

Các bộ, ngành và địa phương đã bố trí cho 5.657 dự án. Trong đó, có 5.615 dự án được bố trí đúng quy định với số vốn kế hoạch là 61.660,4 tỷ đồng (vốn trong nước là 46.808,4 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 14.852 tỷ đồng).

Như vậy, có tới 42 dự án được bố trí vốn không đúng quy định, với tổng số vốn là 602,9 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng số vốn trong nước của ngân sách trung ương.

Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương có 19 dự án với số vốn là 331,6 tỷ đồng; các địa phương có 23 dự án với số vốn là 271,3 tỷ đồng.

Tương tự với năm 2013 cũng có 220 dự án bố trí vốn không đúng, với số vốn trong nước là 2.146,1 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng số vốn trong nước của ngân sách trung ương.

Trong khi có hàng trăm dự án được bố trí vốn không đúng quy định, khiến hàng ngàn tỉ đồng chạy đi đâu không rõ thì mới đây Bộ KHĐT đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng kêu thiếu tiền.

Bộ KHĐT cho rằng, Bộ Tài chính dự toán thu chi ngân sách năm 2015 chưa chính xác (thấp hơn dự toán của Bộ KHĐT là gần 40.000 tỷ) so với Bộ KHĐT.

Cụ thể, Bộ Tài chính dự thu là 901.100 tỷ đồng; Bộ KHĐT là 940.000 tỷ đồng. Bộ tài chính dự chi là 1.127.100 tỷ đồng; bộ KHĐT là 1.166.000 tỷ đồng. Từ việc dự thu không chính xác dẫn tới dự toán chi cho ĐTPT thấp (chiếm 16%). Từ lý lẽ phải đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế, xã hội, Bộ này đã kiến nghị Bộ Tài chính cân đối lại các khoản thu chi ngân sách; đảm bảo vốn cho ĐTPT là 20,8%.

Vẽ kế hoạch trên trời

ThS Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị nêu quan điểm: "NSNN chỉ hộ trợ một phần trong khả năng có thể. Không thể bắt Bộ tài chính điều chỉnh ngân sách để chi. Đó là tư duy cứ ngồi chờ tiền, xin tiền".

Ông Sơn cho rằng, Bộ KHĐT thừa biết NSNN đang khó khăn, nguồn thu ngân sách giảm (tháng 8/2014 giảm 32%), quy mô chi tiêu ngân sách lại tăng nhanh, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 tăng khoảng 9 lần so với năm 2000 (đặc biệt là chi thường xuyên tăng rất nhanh, chiếm 10,7%) thế nhưng Bộ KHĐT vẫn đòi hỏi phải chi đủ tiền cho một kế hoạch đã được lập sẵn từ vài năm trước là không đúng.

"Đó là lý lẽ của người đi lập kế hoạch trên trời, chi tiền trên trời thì phải xin cho đủ. Lẽ ra với vai trò trách nhiệm của mình Bộ KHĐT phải xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư có hiệu quả, đầu tư phải sinh lời đem lại nguồn lợi cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy là kế hoạch chi tiền thì xin cho đủ còn hiệu quả không thấy đâu", ông Sơn nói.

Chuyên gia Huỳnh Thế Du phân tích, đứng trước bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn, thứ tự xếp hạng ưu tiên sẽ được cân nhắc giữa chi cho thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, mà hiển nhiên chi cho đầu tư phát triển chỉ được xếp đứng thứ hai.

Hay nói cách khác, chỉ được cắt chi cho đầu tư công chứ không thể cắt chi thường xuyên. Như vậy, trong bối cảnh thu thấp hơn chi việc Bộ Tài chính giảm cho đầu tư phát triển là cách tiếp cận phù hợp với lệ thông thường, ,còn người bị mất mát nhiều nhất là Bộ KHĐT và đương nhiên họ phải "la làng".

Lam Lam

đất việt