Hiệp hội trái phiếu muốn lập công ty xếp hạng tín nhiệm

Hiệp hội trái phiếu muốn lập công ty xếp hạng tín nhiệm

Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) - gồm 54 thành viên là ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính, công ty luật và công ty kiểm toán - đang có kế hoạch lập công ty xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam.

* “Ngân hàng trú ẩn trong trái phiếu, lo nhiều hơn mừng”

* Ưu đãi thuế để kéo nhà đầu tư “ngoại” vào thị trường trái phiếu

* 63.000 tỉ đồng có về lại trái phiếu?

Theo dõi giao dịch trái phiếu chính phủ tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Nếu được thành lập sớm, đây có thể là công ty định mức tín nhiệm đầu tiên trong nước ra đời sau khi Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Credit rating agency - CRA) tại Việt Nam lần đầu tiên được Chính phủ ban hành cuối tháng 9 vừa qua và có hiệu lực từ tháng 11-2014.

Việc này đánh dấu bước đi rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường nợ.

"Hiệp hội đã trao đổi với các đối tác nước ngoài và có kế hoạch tìm kiếm đối tác phù hợp, có uy tín để hợp tác xây dựng công ty xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam," ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA, cho biết.

CRA là tin mừng với thị trường, với nhà đầu tư trái phiếu và đầu tư nước ngoài, mở ra một cánh cửa minh bạch hơn đối với thị trường nợ.

Các tổ chức, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không xa lạ với thị trường tài chính thế giới, nhưng rất mới với thị trường Việt Nam, nơi mà nhiều loại trái phiếu được phát hành chưa được đánh giá bởi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này kéo thị trường trái phiếu Việt Nam lùi xa so với thế giới.

Trưởng phòng Thị trường tài chính - Vụ tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính - ông Đỗ Việt Dũng tại hội nghị thường niên 2014 của VBMA tuần qua cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp hàng năm khoảng 30 nghìn tỉ đồng, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện tại bằng khoảng 2,3% GDP và quy mô này tương đối nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn.

“Sắp tới chúng tôi hy vọng sẽ có các hồ sơ đăng ký xin thành lập CRA trên thị trường. Bộ Tài chính đang nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch cụ thể về số lượng CRA trong từng giai đoạn trước khi chính thức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,” ông Dũng nói.

Bước tiếp theo sau khi đã có CRA, ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, sửa đổi các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy định tại Nghị định 90 để phù hợp với các bước phát triển của thị trường trái phiếu. Nếu điều kiện thị trường cho phép, có thể bổ sung điều kiện phải có kết quả đánh giá tín nhiệm của một hoặc hơn một CRA.

Một điểm quan trọng khác với thị trường trái phiếu doanh nghiệp là trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp. Với sự trợ giúp kỹ thuật của Công ty tài chính quốc tế IFC, VBMA đang xây dựng Đề án trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp. Các thành viên của hiệp hội cũng đã đóng góp số liệu về thị trường trái phiếu doanh nghiệp để chuẩn bị cho trung tâm này. Trung tâm tích hợp đầy đủ thông tin về thị trường này sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường, giúp các cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách, định hướng phát triển thị trường.

Ngoài ra, VBMA cũng dự kiến sẽ nghiên cứu phát triển các công cụ sản phẩm mới cho thị trường trái phiếu như xây dựng hợp đồng khung repo chuẩn, sổ tay tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường, xây dựng và công bố lãi suất cho vay liên ngân hàng chuẩn VIBOR, một chuẩn lãi suất quan trọng với thị trường trái phiếu Việt Nam.

Lãi suất VIBOR để các ngân hàng tham chiếu khi thực hiện các giao dịch cho vay liên ngân hàng, tức đóng vai trò chỉ số về chi phí vay vốn của các ngân hàng trên liên ngân hàng và do vậy giúp đảm bảo tính minh bạch của thị trường liên ngân hàng. Chỉ số này cũng giúp cơ quan quản lý đánh giá tính ổn định của thị trường liên ngân hàng.

Hồng Phúc

tbktsg