HNX-Index dưới góc nhìn lý thuyết sóng Elliott

HNX-Index dưới góc nhìn lý thuyết sóng Elliott

Quan sát quá khứ thì chỉ số HNX-Index cho thấy những tín hiệu sóng đẹp hơn, chính xác hơn và ít có tín hiệu nhiễu hơn. Vì vậy, nghiên cứu kỹ các tín hiệu của HNX-Index sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn sát thực tế hơn về thị trường.

Mô hình sóng quá khứ của HNX-Index

Thông thường nhà đầu tư quan sát chỉ số VN-Index như là một chỉ số đại diện cho thị trường. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư theo dõi tương quan giữa chỉ số VN-Index và HNX-Index với các mã chứng khoán trên cả hai sàn thì đa số đồ thị của cổ phiếu có nét tương đồng với HNX-Index cao hơn so với VN-Index.

Quan sát quá khứ thì chỉ số HNX-Index cũng đã cho thấy những tín hiệu sóng đẹp hơn, chính xác hơn và ít có tín hiệu nhiễu hơn.

Trong năm 2007, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều kết thúc một chu kỳ tăng giá rất mạnh. VN-Index sau khi tăng từ đáy năm 2009 thì vẫn giữ ở mức cao so với mức đáy này cho đến hiện tại, nhờ sự hỗ trợ của các mã cổ phiếu vốn hóa hàng đầu thị trường liên tục tăng trưởng từ đáy năm 2009 như VNM, MSN, GAS…

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cùng với lượng lớn cổ phiếu trên cả hai sàn tiếp tục giảm điểm và lập đáy mới. Chỉ số HNX-Index hoàn thành mô hình sóng giảm A-B-C vào cuối năm 2012 với tỷ lệ Fibonacci rất cân xứng.

Bảng tỷ lệ sóng:

Đối với các sóng dài thì chúng ta không chỉ sử dụng cách đo Fibonacci theo cách thông thường mà phải kết hợp với cách đo Fibonacci theo tỷ lệ phần trăm.

Sóng điều chỉnh A có tỷ lệ giảm là 83.12% gần tương đương với tỷ lệ 77.39% của sóng C tương ứng với nguyên lý sóng A tương đương sóng C trong sóng điều chỉnh Zigzag A-B-C.

Trong sóng A: Sóng I giảm 56.27%, sóng III giảm 73.52%, sóng V giảm 61.79%. Như vậy, sóng III tương đương với 1.59 lần sóng I, gần tương ứng với tỷ lệ Fibonacci 161.8%. Sóng V tương đương với 1.33% sóng I gần tương ứng với tỷ lệ Fibonacci 127.2%.

Trong sóng B: Sóng I giảm 40.09%, sóng III giảm 71.09%, sóng V giảm 41.10%. Như vậy, sóng III tương đương với 1.77 lần sóng I, gần tương ứng với tỷ lệ Fibonacci 161.8%. Sóng III là sóng mở rộng và sóng V và sóng I có tỷ lệ giảm tương đương nhau tuân theo hướng dẫn wave equality(*) của lý thuyết sóng Elliott.

Với mô hình sóng cũng như tỷ lệ Fibonacci rất đẹp thì chúng ta có thể đưa đến kết luận khả năng cao chỉ số HNX-Index đã hoàn thành mô hình sóng giảm A-B-C của chu kỳ suy thoái ở đáy tháng 11/2012 và bước sang chu kỳ tăng trưởng.

Dự đoán tương lai của HNX-Index dựa trên lý thuyết sóng Elliott

Áp dụng lý thuyết sóng thì chỉ số HNX-Index đang có kịch bản chính là đang trong quá trình hoàn thành sóng 5 của sóng I lớn.

 

Để thuận tiện cho việc xem xét tỷ lệ giữa các sóng, giả định đỉnh sóng 5 đang ở khu vực hiện tại và tạm thời lấy mức cao nhất là 91.4. Với giả định này thì chúng ta có bảng tỷ lệ như sau:

Sóng 1 tăng 33.41%, sóng 3 tăng 59.27% và sóng 5 tăng 32.96%. Như vậy, sóng 3 tăng tương đương 1.77 lần sóng 1 (59.27/33.41 = 1.77). Mức tăng này lớn hơn mức 161.8% nên sóng 3 được xem là sóng mở rộng. Lý thuyết sóng Elliott cho rằng, sau một sóng ba mở rộng thì thường xuất hiện Truncated Fifth (sóng 5 không tăng cao hơn sóng 3). Ở đây chúng ra lại tiếp tục thấy sóng 3 là sóng mở rộng và theo hướng dẫn wave equality(*). Với mức điểm như hiện tại thì HNX-Index đang có sóng 1 tương đương sóng 5. Đây là dấu hiệu cảnh bảo rủi ro về khả năng chỉ số HNX-Index hoàn thành sóng 5 của sóng I lớn và có thể điều chỉnh sâu trở lại nên sự thận trọng cần phải được đề cao trong giai đoạn hiện nay.

(*) Hướng dẫn wave equality cho rằng nếu một trong ba sóng đẩy (impulse wave) là sóng mở rộng thì hai sóng đẩy (impulse wave) còn lại có xu hướng tương đương nhau.

Lê Thanh Hòa, CMT