Mới vài công ty báo lỗ trong 9 tháng đầu năm

Mới vài công ty báo lỗ trong 9 tháng đầu năm

Trong số những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014, số công ty báo lỗ mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Khối công ty chứng khoán là nhóm tiên phong công bố báo cáo tài chính quý 3/2014, hiện chưa có ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính.

Các CTCK niêm yết đã công bố BCTC quý 3/2014
ĐVT: triệu đồng

Thị trường sôi động hơn giúp nhiều công ty chứng khoán niêm yết tăng doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) đạt tổng doanh thu cao gấp 3 lần cùng kỳ với 255 tỷ đồng. Đây cũng là công ty chứng khoán hiện đang công bố mức lãi cao nhất gần 143 tỷ trong khi 9 tháng đầu năm 2013 lãi 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có công ty chứng khoán lỗ hơn 29 tỷ đồng là Chứng Khoán Phố Wall (HNX: WSS) trong khi doanh thu ở mức 26 tỷ đồng.

5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh báo lỗ

Tính đến ngày 16/10/2014, toàn thị trường niêm yết có khoảng hơn 40 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2014 trên các Sở GDCK, trong đó chỉ có 5 công ty báo lỗ trong 9 tháng đầu năm với tổng số lỗ gần 15 tỷ và tổng lãi toàn thị trường khoảng 1,560 tỷ đồng.

Top 10 doanh nghiệp lỗ/lãi trong 9 tháng đầu năm 2014
ĐVT: triệu đồng

Đáng chú ý trong số các công ty báo lỗ là Thế giới Số Trần Anh (HNX: TAG) khi doanh thu tính đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại âm gần 4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ ở TAG là do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên đến 114 tỷ và 15 tỷ đồng. Riêng trong quý 3/2014, TAG lỗ ròng 8.4 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước cũng lỗ 11.4 tỷ đồng, và lịch sử có vẻ như đang lặp lại với TAG khi trong năm 2013, công ty lỗ trong quý 3 trong khi 2 quý đầu năm làm ăn vẫn có lãi.

Cũng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng Thủy điện Miền Trung (HNX: CHP) báo lỗ 2.7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ năm trước công ty cũng lỗ 8.2 tỷ đồng. Với chi phí lãi vay lên đến 141 tỷ đồng, vượt cả lợi nhuận gộp là tác nhân chính ảnh hưởng đến kế quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn tại Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng (HNX: CID), doanh thu thuần trong kỳ của công ty chỉ ở mức 4.4 tỷ nhưng khoản lỗ đã lên đến 3.7 tỷ đồng. Các công ty Điện tử Bình Hòa (HNX: VBH) và Du Lịch Golf Việt Nam (HOSE: VNG) báo lỗ lần lượt 2.4 tỷ và 2 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, công ty đang tạm dẫn đầu về lợi nhuận là Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: CII) với hơn 221 tỷ đồng trong khi doanh thu ở mức 250 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, CII cho biết đã bán 6.9 triệu cổ phiếu CII Bridges and Roads (HOSE: LGC) trong kỳ giúp mang về khoản lợi nhuận đáng kể, trong đó doanh thu tài chính lên đến 268 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng cũng nằm trong top như Phân phối khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD), Kết cấu Kim loại & Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS) và Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HNX: DBC). Trong đó PGD và PXS lãi lần lượt 152 tỷ và 103 tỷ đồng, vượt 3% và 25% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong khi lợi nhuận sau thuế của PXS cao gấp đôi cùng kỳ thì lãi của PGD lại giảm đến 25% so với 9 tháng đầu năm 2013.

Tại DBC, lãi ròng của công ty giảm 3% và đạt hơn 95 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, DBC cho biết do thay đổi trong cơ cấu thức ăn chăn nuôi nên đã kéo giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, công ty còn công bố tính đến thời điểm kết thúc tháng 9/2014, hoạt động công ty chăn nuôi gia công gà của DBC lỗ 6 tỷ trong quý 3/2014 và bị lỗ trên 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm mặc dù gà giống có sản lượng sản xuất cũng như tiêu thụ hấp dẫn và giá gà hiện tại tương đối ổn định.

Lãi nhiều nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp mới công bố đều có lãi nhưng đến phân nửa trong số này có kết quả giảm so với cùng kỳ năm trước.

Top 10 doanh nghiệp tăng/giảm lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2014
ĐVT: triệu đồng

Trong đó giảm mạnh nhất là Đầu tư và Phát triển Sacom (HOSE: SAM) từ 80.5 tỷ xuống còn 742 triệu đồng. Riêng quý 3 của SAM lỗ gần 1.8 tỷ đồng do nguồn thu từ các khoản đầu tư vào các công ty khác giảm dẫn đến không đủ trang trải chi phí theo như giải trình của công ty.

Hay tại Khoáng sản Bình Định (HOSE: BMC), công ty cho biết do thị trường tiêu thụ hàng khó khăn và giá cả giảm sâu so với cùng kỳ năm trước cùng với các khoản chi phí đầu vào tăng cao như điện, xăng dầu, phí, thuế... nên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 70% xuống còn 18 tỷ đồng.

Mặc dù lãi quý 3 của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) nhảy vọt gấp 55 lần cùng kỳ với hơn 104 tỷ đồng nhưng do quý 2 lỗ nặng 103 tỷ nên kéo kết quả 9 tháng đầu năm giảm mạnh 54% xuống mức 4 tỷ đồng.

Ngược lại, trong top tăng mạnh toàn thị trường, CII vẫn đứng đầu với mức tăng trưởng cao gấp 21 lần cùng kỳ năm trước và đạt 221 tỷ đồng. Các doanh nghiệp Đầu tư & Phát triển KSH (HOSE: KSH), Đầu tư F.I.T (HNX: FIT) và Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) cũng có mức tăng trưởng trên 400% so với cùng kỳ năm trước.

Với TSC, riêng trong quý 3/2014, lợi nhuận khác thu về hơn 23 tỷ đồng đến từ việc nhượng bán tài sản cố định thu về hơn 3.2 tỷ và nhượng bán bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật thu về 20 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế của TSC tăng đột biến. “Đôi bạn” của TSC là FIT mặc dù có doanh thu tài chính thấp hơn cùng kỳ với 113.5 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại giảm mạnh từ 151 tỷ xuống còn 5 tỷ đồng giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Minh Hằng