Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Mới mà... cũ

Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Mới mà... cũ

Nghị định 83/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-11-2014) về kinh doanh xăng dầu tuy có nhiều điểm mới so với Nghị định 84 cũ, song những kỳ vọng về một cơ chế kinh doanh mới, minh bạch và tuân thủ đúng quy luật thị trường dường như vẫn chưa được đáp ứng.

Cơ chế điều hành giá vẫn như cũ

Về bản chất, cơ chế điều hành giá trong Nghị định 83 không thay đổi so với Nghị định 84, mà chỉ thay đổi biên độ, chu kỳ, tần suất điều chỉnh giá. Cơ chế điều hành giá vẫn chia làm ba bước, như Nghị định 84, song biên độ có hẹp hơn: từ 0-3%; trên 3-7% và trên 7%.

Thị trường xăng dầu nước ta tuy có cạnh tranh, nhưng còn yếu, chưa thể nói đã có cạnh tranh thực sự

Đây là cơ chế lưỡng tính, nửa vời, phi thị trường.

Thể chế quản lý giá trong nền kinh tế kinh trường đã chỉ ra rằng tùy thuộc vào tính chất của loại thị trường, mà giá trên thị trường đó do Nhà nước định hoặc do thị trường định. Không có một loại thị trường nào mà ở biên độ này thì doanh nghiệp tự định giá, biên độ kia thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia và trên mức đó thì Nhà nước toàn quyền quyết định.

Luật giá của các nước có nền kinh tế thị trường và Luật Giá của nước ta cũng chỉ rất rõ là đối với thị trường độc quyền và thị trường còn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì giá do Nhà nước định (mức giá cụ thể, khung giá, giá trần - tối đa, giá sàn - tối thiểu). Đối với thị trường cạnh tranh, giá do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ sử dụng các cộng cụ và biện pháp gián tiếp như tài chính, tín dụng, thương mại... để quản lý và khắc phục những khuyết tật thị trường khi giá cả có sự biến động để bình ổn giá.

Nghị định 84 trước đây có quy định nếu giá đầu vào biến động từ 0-7% thì doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết định giá, nhưng thực tế điều hành thì không như vậy, mà căn cứ vào sự biến động của giá cơ sở, Nhà nước điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Giá cơ sở thực chất đó là giá trần.

Nếu cho doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường tự định giá, dù quy định biên độ có nhỏ đến mức độ nào đó, doanh nghiệp đó cũng sẽ lợi dụng biên độ và tần suất cho phép để tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bởi mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận. Giá là một trong những yếu tố quyết định tới doanh thu và lợi nhuận.

Cũng vì vậy mà trong cơ chế thị trường, Nhà nước thường chủ yếu sử dụng công cụ giá cả để kiểm soát hoặc điều tiết lợi nhuận đối với các doanh nghiệp độc quyền hoặc giữ vị trí thống lĩnh thị trường.

Nước ta đang có 23 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nắm nguồn cung trên thị trường. Thị phần của các doanh nghiệp này quyết định tính chất cạnh tranh hay độc quyền của thị trường. Thị trường tuy có cạnh tranh, nhưng còn yếu, chưa thể nói đã có cạnh tranh thực sự. Petrolimex vẫn còn chiếm tới khoảng 47% thị phần. Ba doanh nghiệp Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro chiếm 75% thị phần - đó là những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường hay còn là những doanh nghiệp độc quyền nhóm.

Và những câu hỏi

Nghị định 84 cho phép thương nhân được thuê cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận tải của nhau. Nghị định 83 đã “đổi mới” bằng cách đưa ra lộ trình bắt buộc thương nhân phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với vốn góp tối thiểu 51% đối với hệ thống kho trong ba năm, đối với phương tiện vận tải trong hai năm. Tại sao không cho phép thương nhân thuê, trong khi ta đang khuyến khích phát triển thị trường thuê máy móc thiết bị?

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn trước quy định cứng về thời hạn thuê hạ tầng kinh doanh xăng dầu trong điều kiện hiện nay. Việc bắt buộc thời hạn thuê phải năm năm là không phù hợp với độ linh hoạt trong việc sử dụng cơ sở vật chất chung của xã hội và không giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trên cơ sở nhu cầu, lợi ích của doanh nghiệp.

Theo nghị định mới, các thương nhân phân phối chỉ được thuê kho của các thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các thương nhân kinh doanh xăng dầu chuyên về kho bãi mà chỉ sử dụng kho của các đầu mối nhập khẩu. Vậy doanh nghiệp sẽ thuê ở đâu?

Với quy định mới, đại lý được phép chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp trong từng thời điểm thay vì chỉ lấy hàng theo đầu mối và bán đúng giá quy định, hưởng hoa hồng như hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối lo ngại làm như vậy sẽ càng khó quản chất lượng xăng dầu, nhất là khi lợi nhuận định mức vẫn quy định cứng như hiện nay. Còn các đại lý thì thắc mắc, nếu theo quy định mới, khi chứng từ hóa đơn đã xuất ra rồi mà có sự điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán thì sẽ được tính thế nào?

PGS.TS. Ngô Trí Long

tbktsg