Người dân vẫn “e dè” với bảo hiểm xã hội

Người dân vẫn “e dè” với bảo hiểm xã hội

Đó là nhận định của đông đảo đại biểu tham dự tại Hội thảo Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) theo tinh thần Nghị quyết số 21 năm 2012 của Bộ Chính trị” do Báo nhân dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức.

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương khẳng định, cùng với triển khai Luật BHYT, Luật BHXH, Nghị quyết số 21của Bộ Chính trị đã làm thay đổi cơ bản nhận thức về ý nghĩa, vai trò, mục đích, quyền và nghĩa vụ đối với BHXH, BHYT trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân. Những năm qua, đối tượng tham gia BHXH, BHYT được mở rộng, số thu tăng nhanh qua các năm, quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng và thực hiện tốt hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, cả nước có hơn 11 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 190 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 61 triệu người tham gia BHYT.

Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn còn “e dè” với BHXH

Đạt được những kết quả nói trên, bên cạnh sự nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đóng vai trò rất quan trọng. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, có hơn 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 80% số dân tham gia BHYT, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động BHXH, BHYT rất cần sự vào cuộc nỗ lực và hiệu quả hơn nữa của các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm tạo bước chuyển biến hơn nữa trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhất là người sử dụng lao động, người lao động và người dân về chính sách BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được đó, hiện nay một bộ phận người dân vẫn còn “e dè” với BHYT, BHXH đặc biệt là với BHXH. Bởi thực tế, thời gian qua, do người dân chưa thực sự hiểu hết về các chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH dẫn tới việc mở rộng đối tượng của ngành BHXH gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, nhiều DN đã trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Mặt khác, trong bối cảnh đang mất cân bằng quỹ hưu trí, mở rộng đối tượng tham gia BHXH đang là nhiệm vụ quan trọng của BHXH Việt Nam. Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về các chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là biện pháp quan trọng để mở rộng đối tượng.

Tại hội thảo, ông Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng tuyên tryền; cần phát huy hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời chú trọng phát huy vài trò của tuyên truyền của các báo cáo viên thông quan ảnh hưởng của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng.

Các đại biểu tham dự cũng thống nhất trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cần phải tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải hướng dẫn, giải thích đầy đủ thông tin cho người sử dụng lao động, người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT.

Mai Thanh

dđdn