Phía sau thành tích tăng trưởng

Phía sau thành tích tăng trưởng

Những nhận xét trong báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho thấy, đằng sau thành tích tăng trưởng trong các bản báo cáo là những vấn đề rất nghiêm trọng của đất nước. Câu hỏi đặt ra là các nhà hoạch định chính sách có chia sẻ nhận thức đó?

Các báo cáo của Chính phủ trình các kỳ họp Quốc hội nhiều năm nay đều khẳng định, kinh tế đang trên đà phục hồi, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, giúp tỷ lệ đói nghèo ngày càng giảm, và đời sống người dân được cải thiện. Chẳng hạn, báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp thứ 8 đang diễn ra cho biết, năm 2014, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt 5,8%. Mức này cao hơn mức 5,42% của năm 2013 và 5,25% của năm 2012.

Báo cáo này của Chính phủ cũng khẳng định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá hơn dự toán, giải ngân vốn ODA và FDI được đẩy mạnh, các chính sách an sinh xã hội được triển khai tốt.

Những khẳng định trên có thể chứng minh được bằng các số liệu cụ thể. Song, vấn đề lại nằm ở chỗ khác.

Một trong những tác giả của bản báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới chưa được công bố của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiết lộ, báo cáo này nhận định cục diện từng năm một có cải thiện ở một số lĩnh vực, nhưng toàn bộ nền kinh tế lại đang đi xuống. “Nền kinh tế đất nước đang rơi vào suy giảm liên tục, các chỉ số vĩ mô từ năm 2007 đến giờ rất xấu, như bội chi ngân sách, nợ công, Icor, trả nợ, trái phiếu chính phủ, cải cách doanh nghiệp nhà nước đều là các chỉ số đáng báo động”, ông nói.

Chẳng mấy khó khăn để tìm những ví dụ chứng minh. Bội chi là một ví dụ. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ là 224.000 tỉ đồng, bằng 5,3% GDP, theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Số tiền thu ngân sách vượt dự toán ước tính 52.000 tỉ đồng được kiến nghị sử dụng để chi trả nợ, và chi một số nhiệm vụ cấp bách khác. Trong năm tài khóa 2015, Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP, tương đương với 226.000 tỉ đồng. Dư nợ công năm 2015 sẽ vào khoảng 64,5% GDP (gần chạm mức trần 65% GDP).

Câu chuyện nợ công có vẻ chưa đến mức báo động, nếu nhìn sang các quốc gia khác như Nhật Bản, hay Mỹ - những nước có nợ công cao hơn cả GDP. Song, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Vấn đề ở chỗ, ngân sách của các quốc gia này không bị bội chi; trong khi Việt Nam bội chi để chi tiêu và đảo nợ.

Kinh tế tăng trưởng năm nay cao hơn năm trước mà các chỉ số lớn ngày càng xấu đi, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đà suy giảm, và đời sống của phần lớn người dân ngày càng khó khăn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định: nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng; một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công. Điều này đặt trong một cơ cấu ngân sách ngày càng lệch lạc của năm nay, với hơn 72% là để chi thường xuyên, 25% để trả nợ, và chỉ vỏn vẹn 3% là chi cho đầu tư phát triển, nên càng đáng báo động hơn. Nhất là sang năm sau, gần 37% chi ngân sách là để trả nợ.

Cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay mà sẽ còn không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với năm 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn tới hơn 70.000 trong chín tháng đầu năm 2014. Bắt đầu có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp. Trong khi đó, năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.

Đằng sau các con số báo cáo về tình hình kinh tế, báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét: đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; một bộ phận sinh viên ra trường không tìm được việc làm, đào tạo nghề chưa gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động; tình trạng dịch bệnh sởi bùng phát nhanh trên diện rộng nhưng phương án ứng phó chưa kịp thời; an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường chưa được bảo đảm; một số loại tội phạm gia tăng đáng kể; khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên cơ quan trung ương tăng 19% so với năm 2013.

Đã đến lúc cả Chính phủ cũng như Quốc hội cần tiến hành đánh giá một cách thẳng thắn thực trạng của đất nước. Không thể có chuyện kinh tế tăng trưởng năm nay cao hơn năm trước mà các chỉ số lớn ngày càng xấu đi, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đà suy giảm, và đời sống của phần lớn người dân ngày càng khó khăn.

Tư Giang

tbktsg