Quỹ phát triển DNNVV không được huy động vốn dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm

Quỹ phát triển DNNVV không được huy động vốn dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm

Quy định trên được đưa ra tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp.

Theo Dự thảo Thông tư, vốn hoạt động của Quỹ bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn huy động. Trong đó, vốn điều lệ của Quỹ là vốn do ngân sách nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng được nhà nước cấp đủ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có Quyết định thành lập Quỹ. Việc tăng vốn điều lệ của Quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Dự thảo Thông tư quy định rõ Quỹ Phát triển DNNVV được sử dụng vốn để thực hiện hỗ trợ tài chính cho các DNNVV theo quy định.

Bên cạnh đó, Quỹ còn được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các NHTM được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Được sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tại các NHTM Nhà nước, các NHTMCP được xếp loại A theo quy định của NHNN Việt Nam, đầu tư mua trái phiếu Chính phủ nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ. Được sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định và các tài sản khác phục vụ cho hoạt động của Quỹ.

Cũng theo Dự thảo Thông tư Quỹ có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động. Đặc biệt, Quỹ không được huy động vốn và vay vốn dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm, phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, vay thương mại của các tổ chức, cá nhân như hoạt động của các TCTD. Không được sử dụng vốn hoạt động để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ, đầu tư chứng khoán (trừ trái phiếu chính phủ), kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và các hoạt động kinh doanh khác.

Liên quan đến việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro, Dự thảo Thông tư quy định: Bên nhận ủy thác thực hiện trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro để bù đắp các khoản cho vay đối với DNNVV theo quy định của NHNN Việt Nam.

Tuy nhiên, Quỹ Phát triển DNNVV cũng phải thực hiện trích lập quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp các tổn thất không thu hồi được vốn đã ủy thác cho bên nhận ủy thác của Quỹ.

Mức trích lập quỹ dự phòng rủi ro hàng năm được xác định như sau: Mức trích dự phòng rủi ro chung bằng 0,75%/năm tính trên số dư nợ ủy thác cho vay tại thời điểm 31/12 hàng năm; Mức dự phòng rủi ro cụ thể cho những khoản ủy thác do Quỹ quy định căn cứ vào xếp hạng NHTM (bên nhận ủy thác) do Thống đốc NHNN ban hành và tình hình thu chi tài chính của Quỹ hàng năm.

Khoản trích lập quỹ dự phòng rủi ro được tính vào chi phí của Quỹ. Cuối năm, nếu không sử dụng hết quỹ dự phòng rủi ro, số dư của quỹ được chuyển sang năm tiếp theo. Số tiền thu hồi được từ các khoản cho vay đã được xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được hạch toán vào thu nhập khác của Quỹ theo quy định…

Về lãi suất cho vay của Quỹ, Dự thảo Thông tư nêu rõ: Lãi suất cho vay của Quỹ do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ đối với từng kỳ hạn cho vay phù hợp với việc diễn biến lãi suất của thị trường nhưng không vượt quá 90% lãi suất cho vay thương mại cùng kỳ hạn.

Lãi suất cho vay thương mại, được NHNN thông báo định kỳ hàng tháng hoặc khi có biến động đột biến về lãi suất cho Bộ Tài chính, là mức lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân (dưới 1 năm) và trung dài hạn bình quân (từ 1 năm trở lên) của 5 NHTM Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội để làm cơ sở xác định mức lãi suất cho vay của Quỹ.

Mức lãi suất cho vay của Quỹ đối với từng khoản giải ngân được áp dụng theo lãi suất cho vay do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm gần nhất.

Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với khoản giải ngân đó.

Liên quan đến phí ủy thác cho bên nhận ủy thác, Dự thảo Thông tư quy định, khi nhận ủy thác từ Quỹ, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác; Phí ủy thác cho bên nhận ủy thác do Quỹ thỏa thuận với bên nhận ủy thác theo quy định của pháp luật.

M.T

thời báo ngân hàng