Tăng giải pháp xử lý nợ xấu

Tăng giải pháp xử lý nợ xấu

Đưa nợ xấu về khoảng 6% trong năm 2014 và 3% vào cuối năm 2015 là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra. Tuy nhiên, câu chuyện nợ xấu hiện không chỉ là việc riêng của tổ chức tín dụng hay ngành ngân hàng.

Tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu đang cần một cơ chế đặc biệt, trong đó nên tập trung nguồn lực nhiều hơn cho VAMC.

Nợ xấu chưa giảm như kỳ vọng

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 9/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu. Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở trong khoảng hơn 3%, còn theo giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu sẽ đưa về trong khoảng 6% cuối năm nay.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đến hết tháng 9/2014 đã xử lý trên 53,6% tổng số nợ xấu thông qua thu nợ, bán phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ, cơ cấu lại nợ và sử dụng dự phòng rủi ro. Trong năm 2015, Chính phủ xác định tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ, đồng thời, có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC), bảo đảm đến hết năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về khoảng 3%.

Thực tế, việc xử lý nợ xấu thời gian qua dù đã cố gắng nhưng vẫn chậm so với kỳ vọng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân do lợi ích của việc bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế hiện hành chưa đủ mức khuyến khích tổ chức tín dụng tích cực bán nợ xấu; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn đáng kể lãi suất tái cấp vốn đối với lãi suất trái phiếu của VAMC.

Cần có cơ chế đặc biệt cho VAMC

Không coi VAMC như một “cây đũa thần” có thể làm biến mất nợ xấu trong chốc lát, nhưng rõ ràng VAMC đang là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần trao thêm cơ chế và quyền cho VAMC, quan trọng hơn phải dùng cơ chế thị trường để giải quyết những vấn đề đang tồn tại. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất: Nên ban hành cơ chế đặc biệt về phát mại tài sản cho VAMC theo hướng tăng quyền, tổ chức đấu giá tài sản và các thủ tục tố tụng, thi hành án nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí xử lý nợ.

Tiến sĩ Trần Du Lịch- thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia- cho rằng: Cần thêm cơ chế và trao quyền cho VAMC bán nợ thì mới có điều kiện mua thêm nợ xấu của các ngân hàng. Ông Lịch phân tích: Biện pháp xử lý, thu nợ và bán tài sản hiện nay bị nghẽn do thủ tục hành chính. Về nguyên tắc, nợ xấu là một sản phẩm của thị trường thì phải dùng thị trường để giải quyết, nhà nước chỉ tác động mà thôi, không dùng cơ chế làm thay được. “Phải khai thông thị trường mua bán nợ để làm sao VAMC và các công ty mua bán nợ khác có thể tham gia, giải quyết dứt khoát tài sản thế chấp theo hướng thị trường”- ông Lịch chia sẻ.

Duy Minh

công thương