Thuế quá cao - “Phần thưởng” cho kẻ lậu thuế

Thuế quá cao - “Phần thưởng” cho kẻ lậu thuế

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng bia, rượu được đề xuất.

Ông Bùi Đức Thụ.

Mức thuế TTĐB với mặt hàng rượu, bia đang được khuyến nghị nâng lên, cao nhất có thể tới 65%. Ông bình luận gì về con số này?

Về nguyên tắc, mặt hàng chịu thuế TTĐB là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng. Trong việc khuyến nghị điều chỉnh vừa qua, căn cứ vào tác hại của sản phẩm tới sức khỏe con người thì đối với rượu, bia tôi cho là hợp lý. Tuy nhiên mức thuế đánh lại không hẳn hợp lý.

Như bia thì độ cồn chỉ từ 6 - 8 độ, nhưng lại đánh thuế TTĐB cao hơn gấp đôi rượu hoa quả dưới 20 độ là không phù hợp. Nếu căn cứ vào độ cồn, vào sự nguy hiểm đối với sức khỏe thì rượu dưới 20 độ còn cao hơn bia. Chưa kể, bia là loại nước giải khát phổ biến của người lao động, vậy chúng ta đánh thuế quá cao vào mặt hàng này thì liệu có phù hợp không?

Tôi xin nói thêm, mặt hàng bia trong lộ trình đánh cao như vậy (từ ngày 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%) cũng gấp đôi thuế đánh vào casino (từ 30% lên 35%). Casino là hình thức giải trí cần hạn chế. Chính sách của chúng ta đánh thuế giữa hai loại này như vậy liệu có hợp lý không? Theo tôi, thuế TTĐB với bia là cao, trong khi thuế đối với casino trong mối quan hệ tương thích này lại thấp và cần tăng thêm.

Có ý kiến rằng, đánh thuế quá cao đối với bia, rượu thì người tiêu dùng chuyển sang mua hàng tự nấu, còn độc hại hơn. Như vậy, mục đích của chính sách không đạt được?

Đánh thuế quá cao sẽ là “phần thưởng” lớn cho những kẻ trốn lậu thuế. Ở đây không chỉ là nấu rượu lậu mà nghiêm trọng hơn là buôn bán rượu lậu. Nhất là trong điều kiện đường biển của chúng ta mênh mông như thế, đường đất liền của chúng ta hiểm trở, khó khăn như thế, thì việc đánh thuế như thế nào cũng phải tính đến khả năng quản lý. Chứ thuế càng cao thì vô hình trung sẽ khuyến khích buôn lậu, sản xuất lậu ngày càng nhiều. Bài học nâng thuế TTĐB đối với thuốc lá đã cho thấy thực trạng kéo theo là buôn lậu thuốc lá càng trầm trọng hơn.

Thuế rượu quá cao sẽ kéo theo tình trạng nhập lậu gia tăng nếu không có biệt pháp, quản lý và ngăn chặn trước.

Cho nên, tôi cho rằng giải pháp về thuế TTĐB không chỉ đặt trong giải pháp tài chính mà phải đặt trong môi trường kinh tế vĩ mô, trong điều kiện quản lý điều hành Nhà nước và các điều kiện thực tiễn khác của đất nước.

Một trong những mục tiêu của việc tăng thuế TTĐB theo giải thích của Chính phủ cũng là nhằm tăng thu ngân sách. Song nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng chúng ta đặt ra quá nhiều mục tiêu và lại loại trừ lẫn nhau. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng như bia, rượu cần căn cứ vào tác hại của nó đối với sức khỏe, đối với đời sống xã hội. Đó mới là mục tiêu chính để đánh thuế, chứ không phải vì mục tiêu cân đối ngân sách. Nếu vì cân đối ngân sách mà tăng thu chỗ nọ, chỗ kia thì cái được của chúng ta là trước mắt thôi, nhưng về lâu dài nó sẽ tác động trực tiếp làm thui chột nguồn thu.

Tôi cho rằng, ban soạn thảo sẽ phải làm việc lại rất nhiều vì họ đặt ra tới 3 - 4 mục tiêu. Một chính sách giải quyết được nhiều mục tiêu là tất yếu, nhưng trong những mục tiêu đó phải xác định cái nào là cái chính, cái nào là phụ.

Đối với hàng hóa thông thường đã chịu các loại thuế chung bình đẳng, rồi thuế phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích, còn thuế TTĐB chỉ nhằm đến một số nhóm hàng đặc biệt, có tác động không tốt đến sức khỏe và đời sống, căn cứ vào tác hại của nó để điều tiết, hướng dẫn tiêu dùng. Chứ còn tác dụng để đảm bảo tăng thu ngân sách thì cũng có, nhưng chỉ xếp thứ hai thôi.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thuế TTĐB tăng lên cũng được, nhưng cần có lộ trình để tránh sốc cho DN. Ý kiến của ông?

Hiện tại một số mặt hàng như ô tô, thuốc lá cũng có lộ trình, bia thì lần này cũng đưa lộ trình để cho DN chủ động hơn. Nhưng tôi xin nói, đối với thuế thay đổi nhiều khi dẫn đến đầu cơ, tích trữ, tác động đến thị trường. Vậy nên lộ trình hay không lộ trình cũng phải cân nhắc. Nhưng cố gắng làm sao để ổn định và trong khoảng có thể tiên lượng được thì DN mới yên tâm đầu tư. Chứ nếu quá đột ngột, gây sốc đối với nền kinh tế thì cũng không được.

Lan Ngọc

thời báo ngân hàng