TS. Trần Hoàng Ngân: “Tôi ủng hộ quan điểm xử lý nợ xấu của NHNN”

TS. Trần Hoàng Ngân: “Tôi ủng hộ quan điểm xử lý nợ xấu của NHNN”

TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH.

TS. Trần Hoàng Ngân.

Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống các TCTD hiện nay?

Có thể nói rằng, trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu là: Đầu tư công, DNNN và các TCTD thì ngành NH thực hiện tốt nhất. Kể từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD giai đoạn 2011 – 2015 đến nay, dưới sự chỉ đạo, điều hành của NHNN, chúng ta đã giảm được 5 NHTM yếu nhất và một số NH tự tái cơ cấu lại. Đây là những NH mà nếu không được xử lý kịp thời sẽ là mầm mống gây khó khăn cho thị trường tiền tệ. Tuy vậy, phương thức thực hiện tái cơ cấu các NHTM được diễn ra rất phù hợp bằng cả hình thức hợp nhất, sáp nhập, tự tái cơ cấu.

Việc tái cơ cấu diễn ra “yên ấm” tới mức khiến nhiều người không hề biết chúng ta đã giảm đi số lượng NHTM trên nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn, ổn định trên thị trường tiền tệ.

Vậy, vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống NH thì sao, thưa ông?

Tôi ủng hộ quan điểm và cách đi của NHNN trong vấn đề xử lý nợ xấu (XLNX). Chúng ta có thể hình dung vào thời điểm cách đây hai năm, các NHTM đem tài sản thế chấp, trong đó phần lớn là BĐS, đi bán nhưng không ai mua, nợ xấu đem bán cũng khó khăn, nhất là khi thị trường BĐS đang đóng băng. Chính điều này đã khiến NH và DN rơi vào khó khăn.

Tuy nhiên, khi Chính phủ đồng ý cho thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Và bản thân hệ thống NH cũng tích cực trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Trong hai năm qua, tôi được biết, hệ thống NH đã trích lập dự phòng 150.000 tỷ đồng từ lợi nhuận của mình để XLNX, đồng thời chuyển sang VAMC với khoảng 90.000 tỷ đồng nợ xấu. Với cách làm như vậy, các nhà hoạch định chính sách đã hỗ trợ cho các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung bằng cách đưa nợ xấu ra ngoại bảng của các NHTM, tạo cơ hội tiếp cận vốn cho DN.

Hiện vẫn có những ý kiến cho rằng, tiến trình tái cơ cấu và XLNX của hệ thống NH còn chậm?

Theo tôi, quá trình tái cơ cấu, XLNX của hệ thống NH đã đạt được thành công nhất định, phù hợp với “thể trạng”, tình hình kinh tế của nước ta. Thời gian vừa qua, VAMC đã tập trung triển khai quyết liệt các công việc liên quan tới xử lý các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thu nợ, bán nợ và bán trái phiếu đặc biệt.

Vấn đề là chúng ta phải tiếp tục tạo thêm năng lực tài chính cho VAMC, tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ để giải quyết trọn gói hơn vấn đề XLNX hiện nay.

Cần giải pháp gì trong thời gian tới để đẩy mạnh XLNX, thưa ông?

Cả phía NH và DN phải cùng có trách nhiệm XLNX. Người cho vay là NH đã chịu trách nhiệm và đang tích cực trích lập dự phòng rủi ro, hy sinh lợi nhuận để XLNX. Chính vì trích lập dự phòng để XLNX nên thời gian vừa qua, rất ít NH chia cổ tức, hoặc nếu có chia thì cũng rất ít. Nhưng về phía người đi vay là các DN cũng phải có trách nhiệm hợp tác với NH để phát mại tài sản, chứ không thể làm cách nào khác.

Có ý kiến cho rằng, VAMC đang bị hạn chế quyền năng?

VAMC hiện đang quản lý hộ tài sản và hỗ trợ thanh khoản chứ không phải mua đứt bán đoạn nợ xấu và giao cho NH trái phiếu. Nhưng nếu VAMC không được thành lập thì DN sẽ không được cơ cấu lại nợ và tiếp tục tiếp cận tín dụng. Còn NH sẽ kẹt về thanh khoản.

Trong bối cảnh không có “tiền tươi, thóc thật” thì cách tái cơ cấu NH và XLNX đặt an toàn hệ thống NH lên hàng đầu là khá ổn. Chính vì đặt an toàn lên hàng đầu nên chúng ta không nên quá nôn nóng.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 18/2014/TT-BTP hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của VAMC là bước khởi đầu thuận lợi và tăng quyền cho VAMC trong tổ chức đấu giá tài sản. Tôi nghĩ thời gian tới, những vướng mắc của VAMC sẽ tiếp tục được tháo gỡ để đẩy nhanh XLNX hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Quang Cảnh

thời báo ngân hàng