Xử lý tài sản bảo đảm trong thủ tục phá sản

Xử lý tài sản bảo đảm trong thủ tục phá sản

Khi Luật Phá sản 2014 được cho là mở ra nhiều cánh cửa hơn cho việc phá sản doanh nghiệp, nỗi lo của chủ nợ có bảo đảm càng lớn.

Có thể xử lý bảo đảm trong thủ tục phục hồi kinh doanh?

Theo Luật Phá sản 2014, việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đối với chủ nợ có bảo đảm tạm thời bị đình chỉ trong thời hạn năm ngày kể từ ngày tòa án thụ lý việc phá sản trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị (khoản 3, điều 41). Sau khi mở thủ tục phá sản, nếu không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn (điểm b, khoản 1, điều 53). Điểm a, khoản 1, điều 53 quy định đối với trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo nghị quyết của hội nghị chủ nợ.

Theo quy định tại khoản 5, điều 91, việc tài sản bảo đảm có được sử dụng trong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hay không là do chủ nợ có bảo đảm quyết định. Sẽ rất hiếm khi chủ nợ có bảo đảm đồng ý để tài sản bảo đảm được sử dụng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, dễ nhận thấy sự mâu thuẫn trong chính quy định tại khoản 1, điều 53.

Bởi vì theo điểm a của khoản này, nếu chủ nợ có bảo đảm không đồng ý với việc sử dụng tài sản bảo đảm trong quá trình thực hiện phương án phục hồi kinh doanh thì có thể xử lý tài sản bảo đảm khi nghĩa vụ bảo đảm đến hạn. Còn theo điểm b lại không cho phép chủ nợ có bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm nếu như tài sản này cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

Câu trả lời còn dang dở về phương thức xử lý bảo đảm

Điều 53 quy định đối với trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm chưa đến hạn trước khi tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì tòa án đình chỉ hợp đồng và xử lý khoản nợ có bảo đảm. Nói cách khác, lúc này nghĩa vụ được bảo đảm mặc nhiên đến hạn và chủ nợ có bảo đảm được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy vậy khoản 3, điều 53 vẫn giữ cách quy định khá mơ hồ của Luật Phá sản 2004 là “với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó”.

Cụm từ “được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó” không rõ ràng và có thể dẫn tới hai cách hiểu là (i) chủ nợ có bảo đảm được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp hay (ii) việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo phương thức quy định trong hợp đồng bảo đảm đã ký với doanh nghiệp.

Cách giải thích thứ hai hợp lý hơn bởi nó tôn trọng thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, còn do việc cho phép bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm chỉ là một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định hiện hành và trong thực tế không phải lúc nào chủ nợ có bảo đảm cũng muốn nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm (chẳng hạn do hạn chế áp dụng đối với ngân hàng trong việc nắm giữ bất động sản - khoản 3, điều 132 Luật các tổ chức tín dụng).

Ngoài ra, điều luật này cũng chưa làm rõ chủ thể nào sẽ có quyền tiến hành bán tài sản bảo đảm (chủ nợ có bảo đảm hay thẩm phán - thông qua quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hay cơ quan thi hành án). Đây cũng là các khó khăn chính đặt ra khi áp dụng Luật Phá sản 2004. Thiết nghĩ, nên tôn trọng quyền của chủ nợ có bảo đảm tức là quy định rõ chủ nợ có bảo đảm được thực hiện việc bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ như cách tiếp cận của pháp luật Anh hay Pháp.

(1) Công ty Luật Audier and Partners Vietnam LLC.

TS.Bùi Đức Giang

TBKTSG