Cá tra Việt Nam: “Ngậm” nước bao nhiêu là vừa?

Cá tra Việt Nam: “Ngậm” nước bao nhiêu là vừa?

Ngành chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam thời gian qua đã lộ rõ những khó khăn, bất cập. Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ra đời nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cá tra phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, NĐ này cần được xem xét điều chỉnh để phù hợp với một số thị trường nước ngoài.

Thu hoạch cá tra.

Phát triển, nhưng chưa bền vững

Theo Tổng cục Thuỷ sản, đến ngày 15.11.2014, luỹ kế diện tích nuôi mới cá tra là 3.051ha (giảm 18,89% so với năm 2013), sản lượng đạt 836.311 tấn (giảm 17,7% so với năm 2013). Năng suất đạt trung bình khoảng 274 tấn/ha.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến tháng 10.2014 đạt 1.353 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013. Đến hiện tại, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đến 148 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường EU chiếm 20,3% tương đương 274,176 triệu USD, giảm 9,6%, thị trường Mỹ chiếm 18,8% tương đương 254,023 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết, sự suy giảm trên là do một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang xa rời thị trường xuất khẩu giá cao, để tránh các rào cản kỹ thuật. Họ tăng cường mở rộng các thị trường dễ tính, từ đó làm giảm chất lượng và giá trị xuất khẩu.

Ngành công nghiệp cá tra Việt Nam vừa trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn với nhiều bất trắc từ phía thị trường tiêu thụ và sự cạnh tranh không lành mạnh từ chính các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Hậu quả, người nuôi điêu đứng, càng nuôi càng lỗ, uy tín của mặt hàng này bị đe dọa…

Cần có lộ trình?

Theo phản ánh của một số DN trong ngành, những quy định được đưa ra tại Nghị định 36 (như người nuôi cá tra sẽ phải đăng ký diện tích, sản lượng, có sự xác nhận của Chi cục Nuôi trồng thủy sản các địa phương…) sẽ giúp quản lý tốt hơn về mặt sản lượng, tránh tình trạng thừa - thiếu trên thị trường như thời gian qua.

Trên thực tế, việc ra đời Nghị định 36 (có hiệu lực từ 20.6.2014) đã giúp ổn định, lập lại trật tự cho thị trường cá tra. Bởi lâu nay, việc phát triển một cách tự phát, kinh doanh thiếu kế hoạch, thậm chí sẵn sàng hạ giá thành của nhiều DN đã dẫn đến thị trường cá tra bất ổn, con cá tra xuất khẩu ra thị trường thế giới thường bị kiểm tra bằng những hàng rào kỹ thuật khắt khe.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nghị định, một số DN đã phản ánh những bất cập, xoay quanh tỉ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước 83%. Nghị định 36 quy định: 1/ Tỉ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỉ lệ mạ băng không vượt quá 10%. 2/ Hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Cty AGIFISH (An Giang) (AGF), nếu tiêu chuẩn mạ băng 10% và hàm lượng nước 83% được áp dụng từ ngày 1.1.2015 thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn do vẫn còn một số sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ cũ tồn kho với số lượng lớn. Mặt khác, việc áp dụng tỉ lệ mới sẽ làm giá thành sản xuất tăng cao (trung bình bán ra nước ngoài 1kg cá với giá khoảng trên 2USD, từ nay sẽ tăng lên gần 4USD), dẫn đến thị trường khó chấp nhận, DN sẽ gặp khó.

Ông đề nghị cần phải có lộ trình giảm dần tỉ lệ mạ băng từ 20% xuống còn 10%. Một số DN cho rằng, “nghị định cá tra” là cần thiết, nhưng cần lộ trình. Nếu áp dụng đúng thời hạn theo nghị định này, rất nhiều doanh nghiệp không theo kịp, nhất là tìm kiếm khách hàng mới.

H.Tân

lao động