Chẩn đoán “sức khỏe” nền kinh tế thông qua 5 chỉ số thống kê

Chẩn đoán “sức khỏe” nền kinh tế thông qua 5 chỉ số thống kê

Dưới đây là 5 chỉ số thống kê quan trọng nhất của một nền kinh tế được các thị trường tài chính, giới đầu tư và chuyên gia săm soi nghiên cứu nhiều nhất.

(1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đại diện cho giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định. Con số này thường được đưa ra dưới dạng danh nghĩa (theo giá hiện hành) và thực tế (theo giá so sánh với năm gốc), với GDP thực tế điều chỉnh những thay đổi trong giá trị tiền tệ. Chỉ số này là một trong những thước đo được nghiên cứu nhiều nhất trên thị trường tài chính.

GDP mở rộng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, ngược lại GDP co cụm cho thấy sự suy giảm trong nền kinh tế của một quốc gia. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến của một quốc gia có thể được dùng để đánh giá mức độ hợp lý việc sử dụng nợ vay hoặc xem xét khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Một mức tăng trưởng GDP cao thường được đi kèm với việc tăng lương, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng. Còn GDP sụt giảm là dấu hiệu tiên báo nguy cơ phá sản doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tiền lương cắt giảm, sức cầu suy yếu.

(2) Các chỉ số về việc làm

Năng suất và sự giàu có của người dân được cho là tiêu chí cuối cùng đánh giá thành công kinh tế. Chỉ số việc làm gồm các dữ liệu về lực lượng lao động, tiền lương và thất nghiệp; ước tính có bao nhiêu người dân có việc làm cũng như xu hướng tăng thu nhập và tiền lương, kéo theo tăng trưởng GDP. Doanh nghiệp tăng tuyển dụng nhân công cho thấy tăng trưởng kinh tế của quốc gia, ngược lại sa thải nhân công cho thấy sự suy yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thị trường tài chính và giới đầu tư ở các nước phát triển thường xem xét các chỉ số việc làm rất cẩn trọng, thu nhập quốc dân của các nước này phần lớn được tạo ra từ chi tiêu, hay tiêu dùng trong nước. Thất nghiệp gia tăng thường kéo theo hệ lụy người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến GDP và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

(3) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường những thay đổi trong giá cả hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình. Chỉ số này có được bằng cách sử dụng giá một mẫu các mặt hàng đại diện thu thập định kỳ, đây là thước đo lạm phát và có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến giá trị tiền tệ quốc gia.

Lạm phát tăng cao có thể dẫn đến lãi suất cao hơn và việc cho vay giảm, trong khi giảm phát có thể dẫn đến lãi suất thấp và cho vay nhiều hơn. Nếu không có những chính sách của ngân hàng trung ương, lạm phát có thể làm xói mòn giá tương đối của tiền tệ, từ đó kim ngạch xuất khẩu sẽ gia tăng bởi đồng tiền trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, người dân phải trả cái giá đắt khi có tiền cũng khó mua nổi hàng hóa nhập khẩu nếu thanh toán bằng đồng USD hay các loại ngoại tệ mạnh khác, việc tiếp cận hàng hóa trong nước cũng trở nên khó khăn bởi dịch vụ hàng hóa đắt đỏ, điều này sẽ gây bất ổn cho đất nước.

(4) Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ

HSBC và công ty tư vấn Markit Group chuyên thống kê chỉ số PMI này dựa trên các khảo sát doanh nghiệp hàng tháng. Nếu cao hơn 50 thì chỉ số PMI dự báo tình hình kinh tế khả quan, còn dưới 50 thì cho thấy sản xuất đang sút giảm.

Hai chỉ số quan trọng nhất là PMI sản xuất và PMI dịch vụ. Chỉ số PMI kém có thể khiến các thị trường chứng khoán sụt giá liên tục và cho thấy tình trạng co cụm kinh tế quốc gia sắp tới.

(5) Ngân hàng Trung ương (ở Việt Nam gọi là Ngân hàng Nhà nước)

Thị trường tài chính và giới đầu tư có xu hướng lắng nghe, soi xét phân tích cặn kẽ phát biểu công khai của các lãnh đạo ngân hàng trung ương để tìm những manh mối báo hiệu hành động chính sách trong tương lai. Cho nên, các lãnh đạo ngân hàng trung ương phải nhanh nhạy phản ứng với thị trường và giới đầu tư trước khi quá muộn, vì khi thông tin xấu bung ra có thể phá vỡ kế hoạch điều tiết tiền tệ của quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam hay gặp phải đó là chính sách “điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD”.

Trên đây là 5 chỉ số thống kê tưởng chừng cũ và đơn giản, nhưng lại khá phổ biến và được tranh luận thường xuyên trên phương tiện truyền thông ở Việt Nam, đặc biệt là độ tin cậy trong thống kê và cách tính GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), các chỉ số về việc làm. Mới đây, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đưa ra con số tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam được thống kê cực thấp là 1.84% thì Nhà nước không cần phải hạ lãi suất thấp hay giảm thuế, hoặc tăng chi để kích thích tăng trưởng kinh tế nữa...

Tình trạng “mơ hồ” (ambiguity) của hệ thống thu thập số liệu thống kê có thể dẫn đến việc Nhà nước gặp khó khăn khi cần tung ra các biện pháp kích thích nền kinh tế, gọi nôm na là biện pháp “phản chu kỳ” (anticyclique), để chặn đà suy thoái kinh tế. Giống như bác sỹ chẩn đoán bệnh sai thì có thể kê sai đơn thuốc, khiến bệnh nhân càng đổ bệnh trầm trọng hơn.

Phạm Quốc Hoàng, William D. Dudley (USA)