Cuối năm, ngân hàng tăng cường đẩy tín dụng

Cuối năm, ngân hàng tăng cường đẩy tín dụng

Hàng loạt các chương trình ưu đãi cho vay được ngân hàng tung ra để phục vụ nhu cầu của khách hàng đang tăng cao vào dịp cuối năm cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đã triển khai gói 2,000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất 0.68%/tháng trong thời gian 30 tháng đầu của khoản vay. Từ tháng thứ 31, lãi suất vay sẽ tính theo lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 13 tháng của VIB cộng biên độ 4%/năm. Bên cạnh đó, VIB sẽ không áp dụng phí phạt trả nợ trước hạn với các khách hàng tham gia gói này trong suốt thời gian vay. Nếu khách hàng trả nợ trước hạn trong 5 năm đầu của khoản vay thì sẽ phải hoàn lại lãi suất ưu đãi cho VIB.

Trong đó, VIB hợp tác với nhiều đối tác bất động sản và có những gói ưu đãi lãi suất riêng. Đối với gói lãi suất cố định trong 30 tháng, khách hàng có thể sử dụng gói này với tất cả các sản phẩm vay tại VIB, còn phí thẩm định sẽ do ngân hàng chịu nếu khách hàng không đủ điều kiện vay.

Trả lời tại buổi buổi Giao lưu trực tuyến “Tín dụng cuối năm: cơ hội vay vốn lãi suất cạnh tranh, ổn định lâu dài” do báo Đầu tư chứng khoán điện tử tổ chức chiều 27/11, ông Rahn Wood - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ VIB cho biết ngân hàng không dùng chương trình này với mục đích PR, đây là nỗ lực từ chính VIB nhằm hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn.

Ông Rahn Wood - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ VIB

Ông Rahn Wood chia sẻ thêm, dựa vào những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, VIB đánh giá có khả năng đưa ra mức lãi suất ổn định cho khách hàng trong suốt thời gian dài. Hiện doanh số giải ngân gói 2,000 tỷ đồng nói trên của VIB đã đạt 400 tỷ đồng sau hơn nửa tháng triển khai.

Nhận định về tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ tín dụng của ngân hàng để mua sắm, tiêu dùng, nhất là mua nhà ở trả góp của Việt Nam so với các thị trường phát triển trong khu vực, ông Rahn Wood cho biết thị trường Việt Nam rất hứa hẹn và có nhiều tiềm năng. Việc so sánh thị trường Việt Nam trong 10 năm tới với các thị trường nói trên hợp lý hơn là so sánh với các thị trường phát triển như Úc và Mỹ, khi các nước này sử dụng sản phẩm tín dụng trong gần như 100% dân số trong một thời gian rất dài.

Ông Rahn Wood cũng chia sẻ thêm về 3 yếu tố chính để thị trường Việt Nam có thể phát triển ngang tầm với các thị trường khác trong khu vực. Đó là (1) Thói quen của người tiêu dùng hiện tại vẫn theo xu hướng dành dụm nhiều hơn là chi tiêu, nhưng trong thời gian tới xu hướng này có khả năng thay đổi, (2) Sự phát triển của nền kinh tế là một động lực kích cầu tự nhiên cho người tiêu dùng, (3) Sự phát triển của hệ thống ngân hàng và sự đa dạng hoá của các sản phẩm ngân hàng sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho khách hàng vay.

Minh Hằng