“Đầu tàu” nào đang kéo tín dụng?

“Đầu tàu” nào đang kéo tín dụng?

Tín dụng cho lĩnh vực công nghệ cao và bất động sản (BĐS) đạt mức tăng trưởng cao nhất trong chín tháng đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng tốc là tín hiệu tích cực nhưng hiệu ứng phụ gây ra sẽ là xu hướng nhích dần lên của lãi suất trong ba tháng cuối năm.

* Góc khuất tăng trưởng tín dụng

* Tháo chốt chặn tín dụng

* Tăng trưởng tín dụng và một điểm “hơi tiếc”

Ngoài công nghệ cao, dư nợ cho vay bất động sản đạt mức cao nhất trong chín tháng đầu năm nay.

Công nghệ cao và BĐS “hút” tín dụng

Tín dụng đang cho những tín hiệu mới hết sức đáng chú ý kể từ tháng 9 cho đến nay. Không bất ngờ khi dư nợ cho vay thường có xu hướng tăng mạnh trong các tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ nhưng mức tăng lên tới gần 3% chỉ trong vòng ba tuần (từ ngày 26-8 đến 30-9) là một mức tăng đột biến, khiến không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng.

Hai đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TPHCM trên thực tế lại có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng chung của cả nước (7,26% trong chín tháng đầu năm). Cụ thể, tại Hà Nội, tổng dư nợ cho vay tính đến tháng 10 ước tính đạt mức 980.000 tỉ đồng, tăng 2,3% so với tháng 8, nhưng so với tháng 12-2013 thì chỉ tăng 3,7%. Tại TPHCM, tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay đạt 1.010.000 tỉ đồng, tăng 0,7% so với tháng 8 và tăng 6,05% so với cuối năm 2013. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng của TPHCM gần gấp đôi so với Hà Nội, phần nào cho thấy khả năng hồi phục và sự năng động của khu vực sản xuất kinh doanh ở phía Nam. Tuy nhiên, về tỷ trọng, tổng dư nợ tại hai đầu thành phố lớn này chỉ chiếm tổng cộng khoảng 60% tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Như vậy, 40% dư nợ còn lại nằm ở các tỉnh, thành khác chắc chắn phải có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng chung toàn hệ thống.

Về cơ cấu tín dụng, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại diễn đàn Quốc hội ngày 20-10-2014 vừa qua, hai lĩnh vực là công nghệ cao và BĐS có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn (lần lượt tăng 15,78% và 11,5% so với cuối năm 2013).

Lĩnh vực công nghệ cao là một trong năm lĩnh vực ưu tiên nên được các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất rất ưu đãi (khoảng 7-8%/năm). Đáng tiếc là tỷ trọng cho vay lĩnh vực này hiện vẫn ở mức thấp, không đáng kể. Đối với lĩnh vực BĐS, tín dụng chảy vào kênh này có xu hướng tăng tốt kể từ đầu năm (cuối quí 1 tăng 3,95%, gấp khoảng bốn lần mức tăng chung; cuối quí 3 cao hơn 1,5 lần mức tăng chung).

Đa phần tín dụng cho các lĩnh vực còn lại đều có mức tăng thấp hơn mức tăng chung, ngay cả lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tính đến cuối tháng 9 cũng chỉ tăng 6,9%; dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách chỉ tăng 4%. Trong khi đó, tín dụng xuất khẩu tính đến hết tháng 8 cũng mới tăng 4,14%; công nghiệp hỗ trợ tăng 6,06%, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,81% so với cuối năm 2013. Do các số liệu được công bố khá rời rạc về mặt thời gian và không đầy đủ tất cả các lĩnh vực nên rất khó đưa ra kết luận chính xác xem lĩnh vực nào đang đóng vai trò chủ chốt, thực sự là đầu tàu tăng trưởng tín dụng! Rất có thể ngoài lĩnh vực công nghệ cao và bất động sản (có mức tăng khá rõ ràng như ở trên) thì tín dụng cho một vài lĩnh vực khác không được công bố số liệu như dịch vụ chứng khoán, bán buôn bán lẻ... cũng có thể có mức tăng cao hơn mức tăng chung 7,26%.

Tín dụng tạo sức ép lên thanh khoản?

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đang phát đi những tín hiệu mới khi liên tục có xu hướng tăng trong ba tuần gần đây. Lãi suất cho kỳ hạn qua đêm từ mức thấp, quanh 1,5%/năm đã có lúc tăng đột biến lên 3,5%/năm. Lợi suất giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp trong tuần từ ngày 13 đến 17-10 có mức tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 10 năm với lần lượt 0,92%; 0,53% và 0,52%. Sự bật tăng trở lại của lãi suất có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tín dụng có dấu hiệu tăng đột biến trong tháng 9 và dự báo có thể sẽ tiếp tục có mức tăng cao trong quí 4 do yếu tố mùa vụ đã phần nào ảnh hưởng đến lượng tiền có sẵn của các ngân hàng. Khi tiền trong hệ thống không còn dồi dào như trước thì việc lãi suất tăng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, thanh khoản hệ thống nhìn chung mặc dù vẫn trong trạng thái tích cực nhưng đây đã là thời điểm cuối năm, các ngân hàng bắt đầu có xu hướng củng cố thanh khoản, dự trữ tiền mặt thay vì trải rộng vốn cho vay trên liên ngân hàng hay đầu tư vào TPCP. Tâm lý phòng thủ cho thanh khoản, đảm bảo đầy đủ nhu cầu thanh toán của khách hàng vào các dịp cao điểm là một trong những ưu tiên của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại.

Thứ ba, trên thị trường TPCP, nhu cầu chốt lời của một vài thành viên đang khiến nguồn cung tăng lên, đẩy giá trái phiếu sụt giảm dẫn đến lợi suất giao dịch tăng. Hiện tại, nhu cầu đầu tư của một vài tổ chức tín dụng vào kênh TPCP cũng đã gần đạt hạn mức cho cả năm do hoạt động phát hành sôi động của Kho bạc Nhà nước trong ba quí đầu năm. Dự kiến lượng cung TPCP từ nay cho đến cuối năm chỉ còn khoảng 30.000 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở kỳ hạn ba năm (khoảng 13.000 tỉ) và năm năm (15.200 tỉ). Do cả cung và cầu đều có xu hướng giảm nên hoạt động đấu thầu TPCP trong thời gian tới sẽ không quá sôi động. Trong khi đó, xu hướng chốt lời của một vài thành viên thị trường có thể khiến lợi suất giao dịch thứ cấp tăng tại một số thời điểm nhưng mức tăng sẽ nhỏ, khó có khả năng đột biến.

Linh Trang

tbktsg