Ngành thép ở thế phòng thủ hay thất thủ?

Ngành thép ở thế phòng thủ hay thất thủ?

Tại hội thảo “Cơ hội 2015-2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi” chiều 31/10, ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng ngành thép đang ở thế phòng thủ trong khi chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng có nhiều thứ còn đáng lo ngại hơn.

Ông Chu Đức Khải chia sẻ về thực trạng ngành thép.

Cụ thể, ông Khải cho rằng trong kinh doanh, thế cờ tấn công hay phòng thủy tùy thuộc vào mỗi ngành. Ngành thủy hải sản và dệt may là tấn công, còn thép là đang ở thế phòng ngự tấn công.

Khi Việt Nam tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) , có 2 mục tiêu chính được đưa ra là thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước.

Ngành thép Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan được ký kết. Hiện nay, 40 mặt hàng ngành thép cần có bảo hộ, đủ điều kiện để nâng lực cạnh tranh. Riêng với Nga, thị trường thép Việt Nam rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam đang vật lộn với gian lận trong thương mại từ thép nhậpTrung Quốc đội lốt sau thép hợp kim.

Ông Khải cho biết, năm 2013, phần lớn doanh nghiệp thép trong nước chỉ sản xuất được 40-60% công suất thiết kế, chẳng hạn như phôi thép 60%, sản phẩm khác chỉ có 40%, luyện gang được 30% công suất thiết kế.

Sức cạnh tranh với Nga gặp khó khi nhà máy lớn của họ có lò cao lớn nhất thế giới từ những năm 90-95 với 5,000 khối. Công nghệ của Nga sản xuất phôi đi từ quặng sắt ra gang lỏng, thổi oxy,.... Công nghệ của chúng ta mới phát triển lò điện nấu chảy thép phế, điện năng phun thêm oxy, than... 1 tấn phôi thép sản xuất tại Nga chỉ mất 150 Kwh trong khi Việt Nam đến 450 Kwh .

Bên cạnh đó, với trình độ khoa học công nghệ lớn và sức tiêu thụ thép ở Nga đang bão hòa (tiêu thụ 1/3, còn 2/3 xuất khẩu). Cộng với việc Trung Quốc sản xuất thép lớn nhất 780 triệu tấn, xuất khẩu 60 triệu tấn, có 15 triệu tấn vào ASEAN và trong đó có Việt Nam càng làm cho thị trường trong nước chao đảo.

Ông Khải mong muốn cơ quan quản lý khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan thì theo hướng những sản phẩm trong nước đang dư thừa sẽ được bảo hộ từ 5-10 năm để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp chi phí giá thành thấp hơn.

Theo thời gian, ngành thép sẽ tự thân giảm chi phí tuy nhiên cũng kỳ vọng những mặt hàng không thể bảo vệ được thì Nhà nước xây hàng rào kỹ thuật ngăn cản hàng bên ngoài vào, ông Khải nói thêm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng mối đe dọa không chỉ đến từ bên ngoài mà không đâu xa là dự án thép của Formosa, có khi có thể lấn át tất cả các doanh nghiệp thép trong nước. Công suất của Formosa đủ trùm lên toàn bộ thị trường, doanh nghiệp thép có thể phải đối phó nhiều hơn việc cạnh tranh với thép của Nga.

Trong bài toán này, ngành thép phải tìm được cửa đi để đa dạng sản phẩm, nâng chất lượng, giảm chi phí so với thép Formosa.

Bà Lan cho rằng dường như chúng ta chỉ chuẩn bị cho đàm phán các hiệp định mà quên mất cần chú ý chuẩn bị cho bản thân để theo được cái mới.

Cái mới ở đây theo bà Lan là nói về công nghệ áp dụng trong các ngành sản xuất trong nước. Theo đó, một số ngành (thép, dệt may) trong nước đang có lợi thế về chi phí lao động giá rẻ có thể biến mất trong tương lai gần khi áp dụng cái mới này.

“Và điều này có thể trở thành một sự đổ vỡ lớn nhất cho ngành”, bà Phạm Chi Lan cảnh báo.

Sanh Tín ghi