Phương pháp xây dựng danh mục đầu tư

Phương pháp xây dựng danh mục đầu tư

Thiết lập một danh mục đầu tư thích hợp là một quá trình thận trọng, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Dưới đây là những phương pháp xây dựng danh mục đầu tư phổ biến hiện nay.

Xây dựng danh mục đầu tư chiến lược

Đây là phương pháp được thiết lập và tuân thủ theo một nguyên tắc cơ sở - kết hợp các tài sản dựa trên tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng của từng loại tài sản. Ví dụ, nếu cổ phiếu đem lại lợi nhuận kỳ vọng 15% mỗi năm và trái phiếu đem lại lợi nhuận kỳ vọng 7% mỗi năm, một danh mục đầu tư dựa trên sự kết hợp của 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận dự kiến là 11% mỗi năm.

Điều quan trọng của phương pháp này là mức lợi nhuận dự kiến của từng tài sản. Tuy nhiên, việc xác định mức lợi nhuận dự kiến còn tùy thuộc vào mức độ rủi ro của từng tài sản và mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.

Xây dựng danh mục đầu tư không thay đổi

Phương pháp này hàm ý rằng nhà đầu tư tuân thủ theo một chiến lược đầu tư mang tính nhất quán xuyên suốt cả quá trình đầu tư. Một sự thay đổi nhỏ về giá trị của một tài sản có thể ảnh hưởng đến tỷ trọng của từng loại tài sản trong danh mục. Với chiến lược này, nhà đầu tư cần liên tục tái cân bằng danh mục để đảm bảo tỷ trọng từng loại tài sản, nếu giá một tài sản giảm nhà đầu tư cần mua nhiều hơn tài sản đó và ngược lại, nếu tài sản tăng nhà đầu tư cần bán bớt tài sản để đảm bảo tỷ trọng của từng loại tài sản trong danh mục là không thay đổi.

Ví dụ như với một danh mục đầu tư như sau:

Không có một quy tắc nhất định về mức độ biến động và thời gian để tái cân bằng danh mục. Thay vào đó, con số 5% có lẽ là mức biến động hợp lý để thực hiện điều chỉnh danh mục cho phù hợp với mục tiêu đầu tư.

Xây dựng danh mục đầu tư ngắn hạn

Qua thời gian dài, các phương pháp xây dựng danh mục đầu tư có vẻ tương đối cứng nhắc. Vì vậy, nhà đầu tư cần một phương pháp xây dựng danh mục đầu tư trong ngắn hạn, tận dụng những biến động của thị trường trong thời gian ngắn.

Một trong những yếu tố quan trọng của phương pháp này là lựa chọn những tài sản để tận dụng sự biến động trong ngắn hạn của thị trường và xác định chính xác thời điểm tham gia thị trường. Việc xây dựng danh mục sẽ khác nhau giữa những thời điểm khác nhau dựa vào xu thế vận động của từng loại tài sản trong những thời điểm khác nhau.

Đối với việc xây dựng danh mục đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn, có thể xem xét mức độ biến động của một chứng khoán trong tương quan với toàn bộ thị trường để lựa chọn những chứng khoán có thể đem lại lợi nhuận cao hơn trong điều kiện thị trường biến động trong ngắn hạn.

Xây dựng danh mục đầu tư năng động

Đây là phương pháp xây dựng danh mục đầu tư mà nhà đầu tư cần liên tục điều chỉnh cơ cấu khi thị trường tăng hoặc giảm. Điều quan trọng của phương pháp này là nhận biết xu hướng của từng tài sản trong danh mục đầu tư. Nhà đầu tư cần liên tục thay đổi cơ cấu, bán ra đối với những tài sản có xu hương giảm và mua vào những tài sản có xu hướng tăng. Đây là phương pháp xây dựng danh mục hoàn toàn trái ngược so với phương pháp xây dựng danh mục không thay đổi.

Về bản chất, đây là phương pháp dựa trên lý thuyết nền tảng đơn giản nhưng việc đánh giá xu hướng biến động của các tài sản là rất khó, đặc biệt đối với việc xây dựng danh mục đầu tư chứng khoán. Việc biến động về giá của một loại tài sản cơ bản đều phụ thuộc vào biến động giữa cung – cầu tạo nên, để đánh giá được xu hướng biến động của chúng đòi hỏi nhà đầu tư cần đánh giá được sự thay đổi về mức sinh lời kỳ vọng của thị trường đối với tài sản đó, từ đó xác định những biến động của tài sản theo phản ứng chung của thị trường.

Xây dựng danh mục đầu tư đối nghịch

Đây là phương pháp xây dựng dựa trên những biến động ngược chiều nhau giữa các loại tài sản cấu thành danh mục đầu tư. Điều này đảm bảo cho danh mục đầu tư sẽ hạn chế được rủi ro nếu thị trường biến động vượt ngoài dự đoán. Mặt khác, điều chỉnh cơ cấu danh mục tài sản dựa theo kỳ vọng của bản thân về xu hướng biến động thị trường sẽ giúp danh mục đạt được lợi nhuận nhất định.

Đối với thị trường chứng khoán, có thể ví dụ bằng việc lựa chọn giữa những chứng khoán có hệ số β >1 và β<1 để xây dựng danh mục đầu tư, bằng sự biến động ngược chiều giữa các loại chứng khoán để giảm thiểu rủi ro với sự biến động ngoài dự đoán của thị trường. Bên cạnh đó, nếu kỳ vọng thị trường tăng trong thời gian tới, có thể thay đổi cơ cấu danh mục hướng đến những chứng khoán có β> 1 để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu vẫn cần đảm bảo sự tồn tại của các chứng khoán khác nhằm hạn chế rủi ro thị trường.

Xây dựng danh mục là một việc đòi hỏi sự nghiên cứu và kiểm chứng từ thị trường. Không có một phương pháp nào là hoàn chỉnh, nhà đầu tư cần linh hoạt để phù hợp với sự biến động không ngừng của thị trường, từ đó đưa ra một danh mục hiệu quả với mục tiêu đã đề ra ban đầu.

Đào Minh Tuấn