Sự thật nào đằng sau những thất bại trong đầu tư?

Sự thật nào đằng sau những thất bại trong đầu tư?

Tại diễn đàn CFO Việt Nam 2014 với chủ đề “Đi lên từ thất bại” sáng 25/11 tại TPHCM, ông Lê Hải Phong, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) cho rằng có 5 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong đầu tư và những nguyên nhân này không chỉ riêng các nhà đầu tư tại Việt Nam mà có thể là nguyên nhân chung mà tất cả nhà đầu tư gặp phải.

* Vai trò của Giám đốc tài chính đang dần được đánh giá cao hơn trước

Nguyên nhân đầu tiên, ông Phong cho rằng là do không có mục tiêu phù hợp. Một mục tiêu hay tầm nhìn rõ ràng có thể là xương sống cho các hoạt động, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì sẽ gặp những khó khăn trong việc lập kế hoạch và lựa chọn công cụ đầu tư phù hợp.

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Bảo Việt

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Bảo Việt, việc xác định các công cụ phù hợp có vai trò rất quan trọng và điều này phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như: Hồ sơ rủi ro, mục tiêu, tình hình tài chính.

Bên cạnh đó, do môi trường xung quanh luôn thay đổi nên việc xác định được mục tiêu sẽ giúp có sự điều chỉnh phù hợp và tránh được những rủi ro.

Nguyên nhân thứ hai là tầm nhìn ngắn hạn. Giao dịch ngắn hạn là một sự đánh cược hơn so với đầu tư, nó dựa nhiều vào yếu tố may mắn. Nhiều nhà đầu tư thường chỉ tập trung vào các kênh đầu tư mang lại hiệu quả cao trong các năm trước đó, hoặc thậm chí là trong tuần trước và đổ tiền vào các tài sản này thay vì suy nghĩ về tương lai và điều này sẽ mang lại rủi ro lớn, khoản chi phí bỏ ra để bù đắp lại rủi ro này có thể sẽ cao hơn nhiều so với lợi nhuận mang lại.

Doanh nghiệp hiện nay mang tính chất là doanh nghiệp hoạt động liên tục, vì vậy luôn luôn nhìn ở khía cạnh là đầu tư vào đâu và làm gì, việc đầu tư không thể kiếm lời ngay lập tức mà việc đầu tư phải mang tính chất dài hạn và có quá trình.

Nguyên nhân thứ ba là danh mục không phù hợp. Việc cân bằng danh mục rất quan trọng vì nếu chỉ đầu tư vào một số ít các tài sản thì rủi ro sẽ rất cao, tuy nhiên nếu đa dạng hóa quá nhiều khoản đầu tư thì cũng sẽ mất rất nhiều cơ hội mặc dù tính an toàn khá cao.

Theo ông danh mục cân bằng tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của doanh nghiệp như theo thời gian có trung hạn, dài hạn, … ; theo các công cụ; theo ngành nghề; … và ông lưu ý nên đầu tư hợp lý theo từng địa phương vì mỗi nơi sẽ có những chính sách đầu tư khác nhau.

Nguyên nhân thứ tư là thiếu hệ thống kiểm soát. Hệ thống kiểm soát cần được đưa ra để đánh giá những rủi ro và những khẩu vị rủi ro đối với danh mục đầu tư. Có hệ thống kiểm soát sẽ giúp những khoản đầu tư đi vào một bộ khung biên độ và điều này giúp hạn chế đến mức thấp nhất khả năng mất vốn hay ngược lại cũng giúp gia tăng đáng kể lợi nhuận đạt được vào cuối kỳ.

Yếu tố cuối cùng ông Phong cho rằng là thiếu hệ thống thông tin và chuyên gia để giúp có những lời khuyên bổ ích. Ông cho rằng, nhà đầu tư dù chuyên nghiệp đến đâu cũng cần có những thông tin và bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm, những ý kiến từ các chuyên gia cùng những thông tin sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện tốt hơn những sai lầm đó hay từ những thông tin đó có thể giúp triển khai ra nhiều yếu tố có lợi hơn.

Liên quan đến vấn đề rủi ro và ảnh hưởng từ những sai lầm của nhà đầu tư, tại buổi tọa đàm, ông Craig Paterson, Giám đốc khu vực - Chuyên gia tư vấn rủi ro của Jardine Lloyd Thompson, cho rằng cần phải lập kế hoạch dự phòng (BCM) nhằm giảm thiểu hậu quả nếu rủi ro xảy ra.

Ông Craig đưa ra 6 lợi ích nếu có BCM gồm (1) xây dựng khả năng thích ứng với mọi tình huống, (2) đảm bảo việc kinh doanh được phục hồi và hoạt động lại trong thời gian ngắn nhất, (3) xác định khoảng cách giữa kỳ vọng về khả năng phục hồi và thực tế hoạt động kinh doanh, (4) giải quyết những lo ngại của cổ đông, (5) củng cố vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, (6) nhìn nhận tích cực hơn về chương trình bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.

Duy Hoàng