Giá thuê nhà công vụ "không đủ quét vôi ve"

Giá thuê nhà công vụ "không đủ quét vôi ve"

Giá cho thuê nhà công vụ suốt hàng chục năm qua vẫn rất bèo bọt, thậm chí không đủ để quét vôi ve. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, việc này là do “lịch sử để lại”. 

Ông Vũ Quốc Hùng

Tuy nhiên, trao đổi với  PV Báo Giao thông, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, giải thích như lãnh đạo Bộ Xây dựng là không thỏa đáng. Ông Hùng cho biết:

Qua những thông tin mà báo chí đã phản ánh trong thời gian gần đây, tôi phải nói rằng, giá cho thuê nhà công vụ là quá bèo bọt. Bấy lâu nay, những phổ biến hay quy định về việc này cũng chưa thực sự rõ ràng, đây là điều mà các nhà quản lý cần phải nghiên cứu lại. Lãnh đạo Bộ Xây dựng có trả lời trên báo chí rằng, giá thuê nhà công vụ thấp do lịch sử để lại. Nhưng theo tôi, câu trả lời chung chung ấy sẽ không giải thích thỏa đáng được cho công luận. Tôi cho rằng, một khi báo chí đã lên tiếng và dư luận bức xúc, các cơ quan có trách nhiệm cần phải xem xét lại vấn đề, không thể vì một việc nhỏ như nhà công vụ mà để người dân mất niềm tin.

Hàng chục năm qua, mức giá cho thuê nhà công vụ vẫn quá bèo bọt so với giá thuê nhà ngoài thị trường, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Thực tế đúng như thế, nếu giá cho thuê nhà công vụ thấp thì sẽ khiến dư luận bức xúc. Tôi nghĩ bây giờ các nhà quản lý nên xem lại tất cả những quy định, những vấn đề liên quan đến nhà công vụ, ví dụ về các mức phí khác khi ở nhà công vụ, rồi việc sửa chữa, cơi nới trong phạm vi như thế nào... Tất cả cần được quy định rõ ràng để người dân thấy được có sự công bằng.

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa rộng hơn 400m2 được cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê trong nhiều năm chỉ với giá 500 ngàn đồng/tháng

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, một vị thứ trưởng, bộ trưởng hoặc cấp bậc tương đương nếu được thuê nhà theo đúng tiêu chuẩn là 150 m2, với giá bình quân 16 nghìn đồng/m2/tháng thì mỗi tháng họ phải dành ra 2,4 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, trong khi lương hiện tại của họ chỉ vào khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Như vậy, là mất 20% tổng số lương của họ nên không thể nói giá thuê là thấp được. Theo ông, con số này có thuyết phục?

Theo tôi, con số này hoàn toàn không thuyết phục. Chúng ta đã từng hô hào khẩu hiệu chống quan liêu bao cấp, đảm bảo cho cuộc sống của công chức,  viên chức thì tất cả tính vào lương. Nhưng thử hỏi, lãnh đạo Bộ Xây dựng có dám chắc những người đủ tiêu chuẩn được thuê nhà công vụ chỉ sống bằng tiền lương? Tóm lại, không thể đưa ra một con số và cách tính toán như thế để đánh giá một vấn đề, như vậy không thuyết phục.

Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, kể từ ngày 1/7/2015, chỉ có cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến công tác tại các cơ quan Trung ương giữ chức vụ từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển về địa phương giữ chức vụ từ chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được thuê nhà ở công. Sau ba tháng kể từ khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà công vụ hoặc khi không còn nhu cầu thuê, nếu đối tượng đang thuê không trả lại, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dùng các biện pháp cưỡng chế, kể cả sử dụng biện pháp mạnh là cắt điện, cắt nước.

Việc thuê nhà công vụ thời trước được quy định và thực hiện ra sao, thưa ông?

Ở thời trước, khi tôi còn công tác, với những cán bộ có chuyện “lèm nhèm” về nhà cửa mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận được phản ánh thì chúng tôi kịp thời nhắc nhở ngay lập tức chứ không hề có sự nể nang. Bởi vậy, theo tôi, hiện nay, nếu nhận được phản ánh hay đánh giá từ người dân về vấn đề này thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần nghiêm túc xem xét.

Ông đánh giá thế nào về thái độ của một số cán bộ, công chức về hưu trong việc trả nhà công vụ thời gian qua?

Theo tôi, mọi cán bộ, đảng viên phải hết sức sòng phẳng trong các mối quan hệ, nhất là trong những vấn đề liên quan đến nhà đất, để người dân nhìn vào. Đã là những người được dân tín nhiệm, là cán bộ cấp cao thì phải sống sao cho xứng đáng với lòng tin của nhân dân.

Tới đây, vào 1/7/2015, khi Luật Nhà ở có hiệu lực, những người ở nhà công vụ về hưu, sau ba tháng không chịu trả nhà sẽ bị cưỡng chế. Tôi tin rằng, sẽ không tái diễn những trường hợp như nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền hay cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên. Đó là những sự việc rất đau lòng và đáng xấu hổ.

Cảm ơn ông!

Hoài Thu - Văn Huế 

giao thông vận tải