GIL chia cổ tức “khủng”, tiền về tay ai?

GIL chia cổ tức “khủng”, tiền về tay ai?

Nếu được cổ đông thông qua, số tiền mà CTCP SXKD Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) dự kiến chi trả cổ tức còn lại cho năm 2013 và năm 2014 đã gần tương đương với vốn điều lệ của công ty.

Ngày 17/12/2014, HĐQT GIL đã có thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chi trả cổ tức cho các cổ đông của công ty. Theo kế hoạch, cổ đông của GIL sẽ nhận được cổ tức 20% còn lại của năm 2013 và năm 2014 là 80%.

Với số luợng cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm hiện tại của GIL là 13.68 triệu cp, số tiền cổ tức dự kiến chi trả đã gần bằng vốn điều lệ của công ty (145.24 tỷ đồng).

“Dốc sạch túi” để trả cổ tức?

Như đã đề cập ở trên, nếu được cổ đông thông qua thì tổng số tiền GIL dự kiến chi trả cổ tức cho hai năm lên đến hơn 136.8 tỷ đồng, gấp gần 8 lần lợi nhuận quý 3/2014 (17.3 tỷ đồng) và gấp 4 lần mức lợi nhuận lũy kế từ đầu năm 2014 (34 tỷ đồng).

Song, tại thời điểm 30/09/2014, lợi nhuận chưa phân phối của GIL ở mức 115 tỷ đồng, khoản tiền và tương đương tiền giá trị hơn 185 tỷ đồng, tăng đáng kể so với hồi đầu năm. Điều này cho thấy, xét về khả năng tài chính thì GIL có dư để chia cổ tức 100%.

Tuy nhiên, một điểm rủi ro là điều này sẽ tạo áp lực trả nợ lớn lên GIL. Cụ thể, tại BCTC quý 3/2014, tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu (DER) của công ty là 1.45 lần. Nếu quyết định chi trả cổ tức năm 2014 được thông qua, DER của công ty sẽ tăng lên 2.33 lần, tương ứng với mức tăng 61%.

Chi tiết hơn, tại thời điểm cuối quý 3, vay và nợ ngắn hạn của GIL gần 380 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và vượt cả nguồn vốn chủ sở hữu trong cùng thời điểm này.

Tiền về tay ai?

Cơ cấu cổ đông lớn của GIL tại cuối tháng 3/2014

Nguồn: Báo cáo thường niên 2013, Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014 của GIL

Trong cơ cấu cổ đông của GIL tại thời điểm cuối tháng 3/2014, cổ đông lớn nhất của GIL là Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), sở hữu 14.21% vốn.

Tuy nhiên, nhóm cổ đông đang sở hữu lớn nhất tại GIL đến cuối tháng 6/2014 chính là Chủ tịch Lê Hùng. Cụ thể, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014, ông Lê Hùng và các bên liên quan sở hữu đến 33% vốn tại GIL. Trong đó, cá nhân ông Hùng nắm 11.37%, còn 3 công ty do chính ông làm Chủ tịch là BĐS Gia Định, May Thạnh Mỹ và May hàng gia dụng Gilimex - PPJ lần lượt sở hữu 4.6%, 6.03% và 10.94%.

Cũng phải nói thêm là từ tháng 6 đến thời điểm này, cổ đông NDH Việt Nam thông báo đã bán 621,350 cp GIL để giảm sở hữu xuống 2.91% và không còn là cổ đông lớn. Trong khi đó, ngày 30/09/2014, CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) lại mua 398,000 cp GIL để sở hữu 7.22% vốn. Ngoài ra không còn giao dịch nào của cổ đông lớn trong thời gian vừa qua.

Như vậy, với tỷ lệ chi trả cổ tức lên đến 100%, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Lê Hùng sẽ nhận được tiền nhiều nhất, hơn 45 tỷ đồng. Tiếp theo là nhóm cổ đông liên quan đến CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) (gồm SSI, SSIAM và NDH Việt Nam) với số tiền thu được khoảng hơn 31 tỷ đồng.

Tương tự như SSI, CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) cũng hưởng lợi ích không nhỏ từ GIL. Với số lượng cổ phiếu nắm giữ khoảng 1.05 triệu cổ phiếu, tương đương với khoảng 7.22% vốn, số tiền cổ tức có thể thu về của ABT khoảng 10.5 tỷ đồng.

Minh Tuấn