Thêm “chất” cho dòng kiều hối

Thêm “chất” cho dòng kiều hối

Mặc dù kinh tế thế giới mấy năm qua suy thoái nhưng dòng kiều hối về Việt Nam không giảm, ngược lại, vẫn tăng đều đặn hàng năm và năm 2014 chứng kiến lượng kiều hối cao nhất từ trước đến nay: Gần 12 tỷ USD.

Điều đáng được quan tâm là trong khi các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng, những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước đón dòng kiều hối nhiều nhất trên thế giới, thì vẫn còn nhiều điều chưa “tỏ” quanh “đường đi lối về” của dòng tiền này.

Một báo cáo vừa công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cung cấp nhiều thông tin khá bất ngờ. Theo đó, giai đoạn 1991- 2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm tăng trung bình 38,6%, tổng giá trị tới 80,3 tỷ USD. Có tới 34,5% người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm (11,7%), chữa bệnh (10,1%), mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng, sửa chữa nhà cửa (8,1%), giáo dục (7,5%), trả nợ (7,1%)...

Về vai trò của dòng kiều hối, ông Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng CIEM- nhìn nhận: Với Việt Nam, kiều hối là nguồn vốn nước ngoài lớn thứ hai sau FDI và lớn hơn so với vốn ODA được giải ngân. Cũng theo ông Võ Trí Thành, kiều hối là nguồn bù đắp quan trọng thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam. Bên cạnh đó, kiều hối đã giúp Việt Nam tích trữ ngoại hối, nhất là trong 2- 3 năm vừa qua. Ngoài ra, kiều hối còn là nguồn vốn quan trọng trong việc tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng cao tính bền vững của nợ nước ngoài.

Tuy nhiên có một khía cạnh chưa mấy lạc quan liên quan đến dòng kiều hối. Đó là năm 2014, kiều hối đầu tư cho sản xuất, kinh doanh giảm so với 3- 5 năm gần đây. Cụ thể, tỷ trọng người nhận kiều hối sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh theo báo cáo của CIEM chỉ chiếm 15,9%, trong khi tỉ lệ này của 3- 5 năm trước là 16,2%.

Một số chuyên gia cho rằng, kiều hối có ý nghĩa rất lớn trong việc kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa, góp phần tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thế nhưng, lâu nay, chúng ta vẫn chưa có những chính sách cụ thể để “nắn” dòng kiều hối chảy trực tiếp vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Do vậy, theo các chuyên gia, việc thêm “chất” cho dòng kiều hối này thông qua các chính sách vĩ mô là điều rất đáng được quan tâm trong những năm tới.

Quang Lộc

công thương