Việt Nam phải tận dụng tốt nhất cơ hội giảm giá dầu

Việt Nam phải tận dụng tốt nhất cơ hội giảm giá dầu

Giá dầu thô thế giới lao dốc, Việt Nam có thể phải cắt giảm sản lượng khai thác và GDP có nguy cơ giảm trên dưới 1% đang đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý. 

GDP có thể giảm 0,8-1,2%

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu hiện chiếm 11-12% tổng thu ngân sách Nhà nước. Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 nghìn tỷ đồng với giá dự toán nguyên liệu này ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, suốt thời gian dài vừa qua, thị trường dầu thô thế giới liên tục lao dốc, xuống mức trên dưới 60 USD/thùng (phiên giao dịch đêm 17/8 dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2015 trên sàn Nymex là 56,47 USD/thùng; dầu thô Brent giao tháng 2/2015 61,18 USD/thùng).

Giá dầu thô giảm sâu là một trong những nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách

Tính toán sơ bộ của Bộ KH&ĐT cho thấy, giá dầu thô giảm 1 USD/thùng, ngân sách hụt thu khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng. Nếu giá nguyên liệu này giảm từ trên 100 USD xuống còn bình quân 70 USD/thùng, ngân sách có thể hụt thu khoảng 30 nghìn tỷ đồng và mức hụt thu sẽ tiếp tục gia tăng nếu giá dầu tiếp đà lao dốc.

Theo Bộ KH&ĐT, với giả định phải cắt giảm 30% sản lượng khai thác dầu thô, tăng trưởng GDP có thể suy giảm 0,8-1,2%. Song cũng theo mô hình dự báo, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10%, chi phí sản sản xuất có thể giảm 0,57%, CPI giảm 0,55% và GDP có thể tăng thêm 0,91%.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chi phí khai thác dầu thô hiện dao động 30-70 USD/thùng. Do vậy, nếu giá dầu đứng ở mức thấp hoặc tiếp tục giảm mạnh, ông Vinh cho rằng, chúng ta nên cân nhắc cắt giảm sản lượng khai thác, nhất là với một số mỏ dầu chi phí khai thác cao.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ KH&ĐT e ngại, nếu chúng ta giảm 30% sản lượng khai thác, tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8-1,2%. “Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan quản lý là tính toán cẩn trọng tác động của giá dầu thô đến nền kinh tế Việt Nam, trên cơ sở đó có phương án bù đắp lại các khoản thiếu hụt từ xuất khẩu dầu mỏ”, ông Vinh nói.

Chi phí giảm: mức lan tỏa còn yếu 

Đồng tình quan điểm xem xét giảm sản lượng khai thác trong trường hợp giá dầu thô tiếp tục giảm để hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành tính toán các phương án cân đối vĩ mô, cố gắng để không phải điều chỉnh thu, chi ngân sách, cũng không phải tăng vay để tăng áp lực cho nợ công.

Ông Tuấn giải thích thêm: “Áp lực giá dầu cũng đã giảm xuống bởi thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô đã giảm từ tỷ trọng 20-25% xuống còn 10-12%; trên 70% nguồn thu còn lại là từ thuế nội địa, sản xuất trong nước”. 

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành lập các phương án hụt thu khác nhau ứng với từng giả định về giá dầu thô, giá xăng dầu trong thời gian tới; đánh giá toàn diện tác động của từng phương án đến sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng..., trên cơ sở đó xây dựng phương án thu cụ thể; tăng cường chống thất thu; tiến tới cơ cấu lại nguồn thu ngân sách...

“Giá dầu giảm, thách thức có lớn hơn cơ hội; và khả năng cân đối vĩ mô ở mức độ nào?”, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi với Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước. Ông Phước nhận định, hiện kim ngạch xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu của chúng ta tương đương nhau, thậm chí nhập khẩu còn nhiều hơn.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu dầu thô mang lại trị giá 7,1 tỷ USD, song chúng ta cũng phải bỏ ra 8,8 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu, nghĩa là chúng ta nhập siêu 1,7 tỷ USD giá trị sản phẩm xăng dầu các loại. Do vậy, về cơ bản, cân đối vĩ mô, mà cụ thể là đứng trên phương diện ngoại hối quốc gia vẫn giữ được cân bằng.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, giá xăng dầu giảm giúp ích gì và liều lượng là bao nhiêu trong hạ giá thành sản xuất cũng như tiêu dùng? Ông Phước lấy ví dụ, giá dầu thô thế giới vừa qua giảm tới 40% nhưng giá xăng dầu trong nước mới giảm trên 20%, còn giá cước vận tải - mặt hàng chịu tác động trực tiếp nhất - giảm rất chậm chạp và nhỏ giọt. 

Ông Phước nhận xét: “Điều đó cho thấy, mức độ lan tỏa từ giảm giá xăng dầu nói riêng, giá nhập khẩu hàng hóa nói chung trong sản xuất, tiêu dùng vẫn là vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam”. Do đó, ông Phước cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải có phương án tận dụng tốt nhất cơ hội giảm giá đầu vào để kích thích sản xuất, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn tốc độ hồi phục kinh tế.

Thảo Nguyên

giao thông vận tải