Xu hướng giá dầu và thị trường chứng khoán Mỹ

Xu hướng giá dầu và thị trường chứng khoán Mỹ

Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy triển vọng giá dầu và thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung đều khá bi quan trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Dự kiến quá trình giằng co tích lũy sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Giá dầu thủng đáy 5 năm

Falling Window liên tục xuất hiện. Giá dầu giảm liên tục từ tháng 05/2014 cho đến nay. Đây được xem là đợt giảm mạnh nhất và kéo dài lâu nhất tính từ đầu năm 2009. Các mẫu hình nến đỏ dài và Falling Window liên tục xuất hiện chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan trong ngắn hạn.

Bollinger Bands đang bung nén. Kể từ sau khi phá vỡ SMA100 vào giữa tháng 07/2014 giá dầu liên tục giảm sâu và bắt đầu đảo ngược xu hướng tăng, đi vào xu hướng giảm dài hạn. Dự kiến quá trình này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

MACD đã phá vỡ ngưỡng 0 và middle của Bollinger Bands cũng đã bị phá vỡ. Hiện tại, dải này đang bung nén rất mạnh nên dự kiến đà giảm vẫn còn tiếp diễn trong ngắn hạn.

Thủng vùng 63 – 65 USD/thùng, hỗ trợ tiếp theo nằm ở đâu? Trong những phiên giao dịch đầu tháng 12/2014, giá dầu đã phá vỡ vùng 63 – 65 USD/thùng (tương đương ngưỡng Fibonacci Projection 261.8%).

Về mặt lý thuyết, ngưỡng hỗ trợ là mức giá mà hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ tăng cao hơn, còn ngưỡng kháng cự là mức giá mà hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ quay đầu giảm. Ngưỡng hỗ trợ khi bị xuyên thủng sẽ trở thành ngưỡng kháng cự mới và rất khó bị phá vỡ. Trong trường hợp của giá dầu thì vùng 63 – 65 USD/thùng (tương đương ngưỡng Fibonacci Projection 261.8%) sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh trong thời gian tới nếu có hồi phục trở lại.

Câu hỏi đặt ra là ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo là vùng nào? Nếu quan sát trên đồ thị thì ta có thể thấy vùng hỗ trợ mạnh nhất hiện nay là vùng 30 – 35 USD/thùng. Đây là vùng đáy cũ của giai đoạn tháng 12/2008 và cũng trùng với Fibonacci Projection 423.6% nên độ tin cậy rất cao.

Thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện một số tín hiệu đáng chú ý

Kịch bản tháng 09/2014 lặp lại. Giai đoạn cuối tháng 09/2014 cũng có sự sụt giảm tương tự như hiện nay của S&P 500. Sự sụt giảm mạnh kéo dài liên tục trong vòng 2 tuần đã khiến cho một số ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn bị thủng.

Điểm cần chú ý trong thời gian tới chính là sự đi xuống của Rahul Mohindar Osc (RMO). Trong giai đoạn cuối tháng 09/2014, chỉ báo này cũng đã dịch chuyển xuống dưới mức 0 và kéo theo sau đó là sự đi xuống trong 2 tuần đầu tháng 10/2014.

Vì vậy, nếu RMO đi xuống dưới 0 và cho tín hiệu bán mạnh trong thời gian tới thì nhiều khả năng đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn kéo dài thêm ít nhất vài tuần nữa.

Rơi xuống dưới SMA100. SMA100 là ngưỡng kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng với S&P 500. Kể từ cuối tháng 10/2014, S&P 500 luôn duy trì trên SMA100 (tương đương vùng 1,980 – 1,990 điểm). Tuy nhiên, S&P 500 đã giảm mạnh liên tục trong ngắn hạn và đang có nguy cơ phá vỡ hoàn toàn ngưỡng này. Trong quá khứ, những lần phá vỡ SMA100 đều bắt đầu cho một đợt sụt giảm rất mạnh và kéo dài.

Như vậy, xu hướng của giá dầu và của thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung là khá bi quan. Dự kiến quá trình giằng co tích lũy sẽ còn kéo dài trong thời gian tới và điều này có thể tác động tiêu cực đến triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nguyễn Quang Minh