Canh bạc giá dầu

Canh bạc giá dầu

Yếu tố nào khiến giá dầu “rơi tự do” được nhận định là không phải xuất phát từ quan hệ cung – cầu hay yếu tố kinh doanh. Đầu tư vào dầu mỏ ngày càng trở nên mong manh, “dễ vỡ”.

Trong 6 tháng qua, giá dầu thô trên thế giới đã giảm mạnh, như trên thị trường NYMEX tại New York, từ hơn 115 USD/thùng nay xuống dưới 60 USD, tức là đã giảm gần 50%. Theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của thế giới hiện nay vào khoảng 90 triệu thùng/ngày và do giá đã giảm 55 USD/thùng, người tiêu dùng đã “tiết kiệm” được 5 tỷ USD mỗi ngày.

Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, giá dầu giảm 10% thì lượng dầu tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng thêm 0,15%, tương đương lượng cầu tăng thêm 500.000 thùng/ngày. Còn theo ngân hàng Citigroup, giá dầu rẻ đi 20% so với mức giá trung bình của 3 năm qua tương đương với một gói kích thích trị giá 1,1 nghìn tỷ USD đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tính đến cuối năm 2014, thế giới có năm khu vực sản xuất lớn nhất. Theo tổ hợp BP, năm khu vực đó là:

Ba đại gia lớn nhất trong lĩnh vực này là Saudi Arabia (11,5 triệu thùng), LB Nga (10,8 triệu thùng) và Mỹ (10 triệu thùng).

Về chất lượng, dầu thô của Saudi Arabia có đặc tính hóa chất là “ngọt” và “nhẹ” hơn dầu thô của Nga nên giá thành khai thác chưa bằng hai phần ba phí tổn của Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Saudi Arabia cần giá dầu hàng năm trung bình ở mức ít nhất 83,6 USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia, còn với Nga là trên 100 USD/thùng. Bi thảm nhất là Venezuela hay Libya với “tử điểm” là 140 USD.

Cả Saudi Arabia và Nga đều có nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 85% nguồn thu của Chính phủ Saudi Arabia, với Nga là xấp xỉ 50%. Cả hai xứ này có dự trữ ngoại tệ cao, của Saudi là 740 tỷ USD, của Nga là 445 tỷ.

Tuy nhiên, vì dầu thô là sản phẩm có tính chất chiến lược - thiếu là không được - từng được sử dụng như một vũ khí vào các năm 1972, 1979, 2008 - sự tính toán ấy cũng trở thành chiến lược: nó bao hàm các yếu tố kinh tế (cung cầu), kinh doanh (lời lỗ) và chính trị (được thua trong quan hệ quốc tế).

Trong bối cảnh của năm 2014, nền kinh tế toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng trưởng, tuy không cao như kỳ vọng nhưng vẫn xấp xỉ mức của các năm trước. Do đó quan hệ cung – cầu về dầu mỏ không biến động nhiều. Có thể loại trừ yếu tố kinh tế trong sự tụt giảm của giá dầu. Về yếu tố kinh doanh, rõ ràng giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng là xuống dưới mức giá thành. Điều này là khó chấp nhận được đối với các nhà đầu tư nếu họ không có được một đảm bảo khác từ phía các chính trị gia. Do vậy, việc giá dầu “rơi tự do” trong mấy tháng qua, chủ yếu xuất phát từ yếu tố chính trị.

Một nhà ngoại giao nước ngoài làm việc ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia, nhận định, nước này hài lòng nhất với giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Tuy vậy, mức giá hiện nay không hề khiến Saudi Arabia quan ngại bởi họ có sức mạnh tài chính. Theo nhà ngoại giao này, một lý do khiến Saudi Arabia đẩy giá dầu giảm là họ nhận thức được rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang mong manh và giá dầu rẻ có thể sẽ giúp nền kinh tế các nước khách hàng phục hồi nhanh hơn.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Ibrahim Alassaf nói nước ông đã sẵn sàng cho những thách thức kinh tế toàn cầu trong năm 2015. Nhà kinh tế Abdelwahab Abu-Dahesh của Saudi Arabia cũng như nhiều nhà phân tích khác cho rằng Saudi Arabia tự tin vào tiềm lực kinh tế của mình để có thể chịu đựng tình trạng giảm giá dầu “trong hai đến ba năm”.

Với Mỹ, chỉ cần hút thêm dầu và nhập cảng ít hơn, kinh tế Mỹ cũng mặc nhiên nâng số cung trên thế giới và ảnh hưởng đến giá cả. Lâu nay, mỗi khi dầu thô lên giá trên thế giới thì nước Mỹ lại tăng khai thác các nguồn dự trữ của mình để xả sức ép về giá cả. Nhưng khi giá dầu giảm, bằng cách bơm thêm dầu ở những nơi tạm bị bít lỗ vì chưa có lời. Theo The Economist, tại Mỹ, kể từ năm 2010, khoảng 20.000 giếng mới đã được hoàn thành - con số cao gấp 10 lần so với của Saudi Arabia. Sản lượng dầu của Mỹ theo đó đã tăng thêm 1/3. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu tình trạng giá dầu giảm kéo dài có ảnh hưởng xấu như thế nào tới cuộc khai thác dầu đá phiến (shale oil) đang bùng nổ ở Mỹ. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để lấy dầu ra khỏi những lớp đá phiến ở độ sâu hàng dặm bằng công nghệ thủy phân (hydraulic fracturing) và khoan ngang (sideways drilling), chi phí mà Mỹ phải bỏ ra là 70-80 USD/thùng.

Với Nga, nhiều năm nay có nhiều tích lũy là do giá dầu xuất khẩu cao hơn giá thành khai thác. Nay khi giá dầu tụt giảm thê thảm, nền kinh tế đứng hàng thứ 8 trong số các nền linh tế lớn nhất thế giới, gặp nhiều khó khăn. Chịu sức ép từ việc trừng phạt về kinh tế của Mỹ và châu Âu, cộng thêm sức ép từ giá dầu, nên kinh tế Nga có thể rơi vào suy thoái trong năm 2015 như cảnh báo của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đưa ra cuối năm 2014.

Theo phân tích của giới chuyên gia đăng trên The Economist số tháng 12/2014, Saudi Arabia đang áp dụng chiến lược nhằm giữ sự thống trị trên thị trường dầu, vốn là nguồn mang lại cả gia tài lẫn quyền lực cho họ. Ý đồ chấp nhận phá thị trường dầu để giảm thị phần và giảm sức cạnh tranh của đối thủ là rõ ràng. Làm suy yếu Nga và Iran cũng đồng nghĩa với giảm sự viện trợ của cường quốc này với đồng minh Syria, qua đó giảm nguy cơ từ Iran và Syria tới Saudi Arabia./.

Nguyễn Chiến

chính phủ