Công ty chứng khoán “hậu” tái cơ cấu

Công ty chứng khoán “hậu” tái cơ cấu

Trải qua quá trình tái cấu trúc, số lượng các công ty chứng khoán (CTCK) tính đến nay vẫn còn 85 đơn vị hoạt động bình thường, tương ứng với việc UBCKNN đã xử lý 20 công ty, bao gồm đình chỉ hoạt động, giải thể, rút bớt nghiệp vụ cũng như hoạt động mua bán sáp nhập.

Gần đây, tổng kết lại toàn bộ hoạt động của thị trường vào cuối năm 2014, UBCKNN cho biết số công ty chứng khoán thua lỗ giảm từ 60% xuống 20% (tổng mức lỗ từ 4,200 tỷ xuống gần 200 tỷ), mức sinh lời tăng khoảng 1.5 lần, chỉ tiêu an toàn tài chính bình quân tăng 15%.

Còn theo công bố của Sở GDCK TPHCM (HOSE), mặc dù số lượng CTCK không hề nhỏ nhưng 10 công ty top đầu đã chiếm đến 62% thị phần giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ năm 2014; còn trên HNX, 10 công ty dẫn đầu cũng “phủ sóng” gần 57% thị phần quý 4/2014.

Đặc biệt, trong số các công ty mà UBCKNN đã xử lý, có 2 CTCK bị đình chỉ/tạm ngừng hoạt động là Chứng khoán SME (SME) và Chứng khoán Tràng An (TAS); 3 CTCK đang làm thủ tục giải thể là Chứng khoán Sao Việt (SVS), Chứng khoán Âu Việt (AVS), Chứng khoán Chợ Lớn (CLS); và 4 CTCK đã biến mất, chấm dứt hoạt động gồm Chứng khoán Delta (DTSC), Chứng khoán Hà Nội (HSSC), Chứng khoán Trường Sơn (TSS) và Chứng khoán VIT (VITS – đã hợp nhất vào Chứng khoán MBS).

9 CTCK tạm ngừng/chấm dứt hoạt động hoặc đang làm thủ tục giải thể
Một số chỉ tiêu của các CTCK tính đến 30/06/2013 (*: năm 2011; **: 2010)

Hầu hết các công ty này đều làm ăn thua lỗ, bị xử phạt vì những vi phạm trong hoạt động kinh doanh, thậm chí đình đám hơn là những phi vụ lừa đảo, tạo nên cú sốc không nhỏ trên thị trường chứng khoán. Dính đến tai tiếng lừa đảo là những cái tên được nhiều người biết đến như SME, TAS hay TSS. Đặc biệt SME và TAS trong vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc đưa các mã chứng khoán khống cùng các hợp đồng ủy thác, còn TSS dính dáng đến cơ quan công an khi có nhà đầu tư tố cáo công ty giả mạo chữ ký, chữ viết trên các hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng hợp tác hỗ trợ vốn.

Về các thương vụ hợp nhất – sáp nhập, Chứng khoán VIT (VITS) hợp nhất vào Chứng khoán MB (MBS) vào cuối năm 2013, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE) sáp nhập vào Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) tháng 09/2014, gần đây nhất là thương vụ sáp nhập giữa Chứng khoán APEC (APS) và Chứng khoán Sen Vàng (GLS) hay Chứng khoán Phương Đông dự định sáp nhập với một hoặc một số công ty chứng khoán khác.

Ngoài ra, trong công cuộc thực hiện tái cơ cấu, nhiều công ty đã bị rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán – một trong những nghiệp vụ chính và đặc trưng của CTCK như Chứng khoán Thủ Đô (CSCJ), Chứng khoán Đông Dương (DDS), Chứng khoán Liên Việt (LVS), Chứng khoán SME, Chứng khoán Âu Việt (AVS) và Chứng khoán Sao Việt (SVS).

Các CTCK trong tình trạng kiểm soát đặc biệt có 5 công ty, trong đó Chứng khoán Hồng Bàng (HBSC) dự kiến sẽ đổi tên thành CTCP Chứng khoán Hưng Thịnh.

 

 

 
VĐL, LNCPP: Vốn điều lệ và Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2013

Đan Thanh