Nghề môi giới chứng khoán 2014: Hồ hởi rồi tiếc nuối!

Nghề môi giới chứng khoán 2014: Hồ hởi rồi tiếc nuối!

Nghề môi giới năm 2014 diễn tả một cung bậc đa cảm. Trong giai đoạn đầu năm cho đến hết quý 3, tưởng chừng nghề sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim cùng với diễn biến thuận lợi của thị trường thì cái kết của tháng cuối năm làm nhiều người cảm thấy nuối tiếc.

* Khi môi giới chứng khoán “thở oxy và ngậm sâm”

Môi giới chứng khoán thời hiện đại cần gì?

Tưởng chừng… hoàng kim

Quả thật, trước con sóng lao dốc bởi giá dầu vào cuối năm, một vài môi giới đã rất hồ hởi khi chia sẻ với người viết rằng, hiện nay thanh khoản thị trường tăng đáng kể, điều này dĩ nhiên khiến doanh số môi giới chứng khoán (broker) gia tăng và có thể thấy nghề môi giới đang manh nha trở về thời kỳ hoàng kim. Không chỉ bởi thị trường tốt lên mà cách nhìn của nhà đầu tư và xã hội về môi giới cũng đã thay đổi, bản thân người môi giới cũng tạo ra giá trị nhất định. Bên cạnh đó, các khách hàng cũng khá thoải mái trong việc giao tài khoản cho các môi giới chăm sóc.

Ông Dương Thành Như - Trưởng phòng Kinh doanh của một CTCK lớn tại TPHCM cho biết, sau thảm kịch của thị trường năm 2008 và thời kỳ tồi tệ sụt giảm kéo dài từ năm 2010 đến năm 2012, thì từ đầu năm 2013 đến nay thị trường biến động theo hướng tăng trưởng dần, tạo ra các đáy sau cao hơn đáy trước. Thị trường điều chỉnh nhẹ rồi tích lũy và được nối tiếp bằng những đợt tăng mới. Kênh đầu tư chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn bậc nhất. Theo đó, hoạt động môi giới đã tốt lên rất nhiều, tuy khó để trở lại thời hoàng kim kiểu như năm 2006-2007 nhưng nghề môi giới hiện nay nhiều khả năng sẽ có thời kỳ hoàng kim theo một hướng khác. 

"Nghề môi giới trong năm 2014 đã dễ thở hơn. Nền kinh tế đang phục hồi, lãi suất ngân hàng giảm, bất động sản vẫn đang trong tình trạng đóng băng, giá vàng thì giảm liên tục nên chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Thị trường giao dịch mỗi ngày trên 2,000 tỷ đồng như hiện nay là rất tốt", ông Võ Minh Ngọc -Trưởng Bộ phận giao dịch một CTCK tại TPHCM cho hay.


Hồ hởi rồi tiếc nuối là cảm xúc của người môi giới trong năm 2014

Thế nhưng ….

Vào những tháng cuối năm, con sóng lao dốc kèm thêm giá dầu rớt thảm đã đánh bay thành quả của nhiều nhà đầu tư, theo đó mà tâm trạng các môi giới cũng chẳng thể khá được.

Một môi giới trải lòng cùng người viết, năm qua quả thật hứng khởi, hưng phấn đầu năm bao nhiêu thì lại càng cảm thấy hụt hẫng và tiếc nuối bấy nhiêu vào cuối năm. Đặc biệt, những tháng cuối năm như cú đấm mạnh đánh vào tham vọng của các môi giới về thị trường. Không chỉ chỉ số chứng khoán suy giảm sâu mà thậm chí thanh khoản cũng chẳng thể giữ vững và các mục tiêu đặt ra từ đầu năm càng chuyển từ chế độ cao xuống thấp dần.

Một vấn đề được đặt ra cho mỗi môi giới là làm thế nào để duy trì được giao dịch cùng với nhu cầu phát triển khách hàng mới đè nặng. Không những thế, còn bi đát hơn là khả năng giữ chân khách hàng cũng trở nên nan giải khi công ty chứng khoán cắt tỷ lệ margin, mà nhu cầu sử dụng của khách hàng ngày càng cao. Để có thể giải quyết vấn đề này, không ít môi giới phải tự bỏ tiền túi ra để trả lại một phần phí cho khách hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của môi giới.

Quả thật, một thực trạng là nhiều tài khoản mới được lập nên nhưng tỷ lệ có giao dịch khá thấp và theo đó lương môi giới không tương xứng với lượng khách hàng đang chăm sóc. Theo khảo sát với trên 60 môi giới chứng khoán, một nửa thừa nhận năm qua chỉ có thêm khoảng 50 tài khoản mở mới và dưới 25% số đó có giao dịch; 2/3 môi giới cho rằng áp lực doanh số vẫn đè nặng dù thị trường giao dịch khá sôi động.

Ông Ngọc cũng chia sẻ dù sao thì nghề môi giới vẫn là nghề bất bênh, ăn theo doanh số. Nếu thị trường diễn biến không tốt, nhà đầu tư không giao dịch thì coi như không có gì. Thị trường hiện nay khác thị trường sơ khai trước đây, không dễ mà có bong bóng được, Nhà nước cũng đang kiểm soát chặt chẽ thị trường này bằng cách hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, thường xuyên kiểm tra công ty chứng khoán, công ty niêm yết … Do vậy, môi giới cần phải thận trọng tránh sai phạm, bởi nếu có thì khung hình phạt rất nặng.

Gần đây, một nhóm nhà đầu tư đã có đơn tố cáo đối với môi giới của Công ty chứng khoán FPT (FPTS) tại Hà Nội. Nhóm nhà đầu tư bày tỏ sự bức xúc và cho rằng nhân viên môi giới đã tự ý đặt lệnh mua bán chứng khoán cũng như tự ý sử dụng margin cho tài khoản của mình, khiến cho tài khoản bị cảnh báo và phải bán hết tài sản gây thua lỗ nặng nề. Thực hư của sự việc thì phải nhờ cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra làm rõ, tuy nhiên qua sự việc này có thể thấy “cú tát mạnh của chú gấu” trong quý cuối năm đã để lại nhiều hệ lụy không nhỏ.

Thu nhập nghề bao nhiêu trong năm qua?

Xét đến thu nhập, ông Như chia sẻ, tùy theo năng lực và doanh số của mỗi người mà mức thu nhập khác nhau rất lớn. Bởi môi giới thu nhập 7-8 triệu/tháng cũng có, mà thu nhập 60-70 triệu/tháng cũng không phải chuyện lạ.

Theo khảo sát của người viết với trên 60 môi giới, mức thu nhập bình quân mỗi tháng của môi giới hiện nay trải dài trên phạm vi khá rộng, tùy thuộc vào giao dịch của khách hàng. Đối với người mới vào nghề, thu nhập dưới 5 triệu đồng, người có thâm niên từ 2 đến 3 năm thì từ 5 đến 10 triệu đồng, có thâm niên trên 4 năm thu nhập vào khoảng 10-15 triệu đồng và 5 năm thì trên 15 triệu đồng. Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng có trường hợp môi giới có kinh nghiệm trên 10 năm với mức thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng.

Ngoài ra, có nhóm môi giới phát triển mạnh trong năm nay, đó là những môi giới VIP, kéo được những tài khoản lớn về công ty. Những tài khoản lớn này thường là tài khoản của cổ đông lớn, của Hội đồng quản trị. Thị trường chứng khoán 2014 nở rộ lên việc phát hành tăng vốn khủng, một trong những điều kiện để kế hoạch tăng vốn được thành công là phải tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Qua đó, bản thân người môi giới sẽ được hưởng lợi từ phí giao dịch. Do vậy, nhiều lúc thu nhập của người môi giới VIP sẽ lên hàng chục đến cả trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, đối với trường hợp môi giới VIP lôi kéo được tài khoản “lớn” thì điều kiện tiên quyết là phải có “game” phát hành hay nhu cầu cần tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Bởi những tài khoản lớn thường rất ít giao dịch, nếu không có kế hoạch gì các chủ tài khoản này chỉ chuyên đầu tư giá trị.

Mỹ Hà