Sốc với quyết định bỏ trần tỷ giá, franc Thụy Sỹ bay cao hơn 30%, chứng khoán lao dốc gần 9%

Sốc với quyết định bỏ trần tỷ giá, franc Thụy Sỹ bay cao hơn 30%, chứng khoán lao dốc gần 9%

Đồng franc Thụy Sỹ (CHF) đã nhảy vọt tới 30% với giao dịch hỗn loạn khi ngân hàng trung ương nước này quyết định dỡ bỏ mức trần đối với cặp tỷ giá CHF/EUR được áp dụng 3 năm qua.

* Thụy Sỹ hạ lãi suất xuống mức âm nhằm giảm sức ép cho đồng franc trước nhu cầu “tránh bão”

* Bất ngờ với quyết định hạ lãi suất ngay lập tức của NHTW Ấn Độ

 

Theo đó, trong một thông báo đầy bất ngờ vào sáng ngày thứ Năm (theo giờ địa phương), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) cho biết trần tỷ giá được áp dụng từ tháng 9/2011 đến nay không còn hợp lý.

Đồng thời, SNB cũng hạ lãi suất cơ bản từ -0.25% xuống -0.75%, qua đó gia tăng lượng tiền mà nhà đầu tư phải trả để gửi tiền tại Thụy Sỹ. Hơn nữa, ngân hàng này còn hạ thấp mục tiêu đối với lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng từ phạm vi (-0.75%) - 0.25% xuống (-1.25%) - (-0.25%).

Được biết, trong tháng trước, SNB đã quyết định áp dụng mức lãi suất tiền gửi âm 0.25% lần đầu tiên kể từ thập niên 1970 nhằm hạn chế nhu cầu đối với đồng nội tệ của nước này như một nơi trú ẩn an toàn. Lãi suất âm là một trong những biện pháp được SNB áp dụng nhằm ngăn đồng franc tăng vượt ngưỡng cam kết 1.2 CHF/EUR.

Giải thích về quyết định chính sách của mình, Thống đốc SNB, Thomas Jordan, chỉ ra sự phân hóa giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là đồng EUR ngày càng suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ khi ra đời. Với lượng tiền mặt có thể được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm vào nền kinh tế trong thời gian tới, đồng EUR được dự báo sẽ giảm giá hơn nữa so với đồng USD. Và do franc Thụy Sỹ được neo theo EUR nên có thể cũng giảm giá so với đồng bạc xanh.

Do đó, SNB kết luận rằng đồng franc Thụy Sỹ sẽ không còn được “định giá ở mức cao bất thường” phù hợp với tỷ giá tối thiểu. Tuy nhiên, phản ứng của các thị trường là đẩy giá của đồng franc tăng cao vì áp lực tăng giá vẫn còn hiện diện.

Sau động thái của SNB, đồng franc Thụy Sỹ bay cao tới 30% lên mức cao kỷ lục so với đồng EUR, từ 1.2 CHF/EUR lên 0.8052 CHF/EUR, trước khi đóng cửa với mức tăng 13% lên 1.04 CHF/EUR. Đồng franc cũng tăng 25% so với đồng USD trước khi rút ngắn đà tăng còn 12% lên 0.901 CHF/USD.

Thị trường chứng khoán Thụy Sỹ cũng khép phiên với mức lao dốc gần 9%. Cụ thể, chỉ số Swiss Market Index chìm nghỉm 8.7%, đánh dấu phiên lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1989 theo thống kê của FactSet. Các TTCK châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư chuyển sang các “tài sản tránh bão” như vàng và trái phiếu Đức.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, cho rằng động thái của SNB là “khá bất ngờ”. Christine Lagarde cho biết bà cũng bất ngờ về việc Thống đốc SNB đã không liên hệ với bà và hy vọng rằng ông đã truyền tải kế hoạch này với các thống đốc ngân hàng trung ương khác.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng với đồng franc quá mạnh, các doanh nghiệp Thụy Sỹ sẽ phải vật lộn để duy trì hoạt động xuất khẩu. Trong ngày thứ Năm, cổ phiếu của nhà chế tạo đồng hồ Swatch bốc hơi 15% và Giám đốc điều hành Swatch, Nick Hayek, gọi quyết định của SNB là “một trận sóng thần” đối với nền kinh tế Thụy Sỹ.

Mark Haefele, Giám đốc Đầu tư Ngân hàng UBS, ước tính động thái của SNB có thể khiến các nhà xuất khẩu Thụy Sỹ thất thoát gần 5 tỷ franc Thụy Sỹ, tương đương 0.7% sản lượng kinh tế nước này. Trong khi đó, theo mô tả của một chuyên viên giao dịch thì hoạt động giao dịch trên thị trường sau thông báo bất ngờ của SNB giống như “sát phạt”.

Được biết, dự trữ ngoại hối của SNB đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi trần tỷ giá được áp dụng vào năm 2011 và giúp Thụy Sỹ trở thành 1 trong 5 nước có kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Phước Phạm (Theo BBC, Marketwatch)