TS Lê Xuân Nghĩa: Giá dầu giảm là gói kích thích “trời cho”

TS Lê Xuân Nghĩa: Giá dầu giảm là gói kích thích “trời cho”

“Các ngân hàng thương mại hiện nay đang đầy ắp trái phiếu Chính phủ, vì vậy muốn mở rộng tín dụng thì phải giải phóng trái phiếu Chính phủ, mà điều này lại làm lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ lại tăng lên”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết tại Hội thảo khoa học quốc gia - Kinh doanh bất động sản cơ hội và thách thức trong đà hồi phục của thị trường sáng ngày 30/01.

* NHNN sắp tung ra gói 50,000 tỷ cho phân khúc nhà ở thương mại

TS Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Nghĩa, dư địa chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế còn rất ít, lãi suất không thể giảm hơn nữa, cung tiền cũng không thể tăng thêm và chỉ còn lại dư địa nhỏ là xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng. Theo đó, năm 2015 sẽ là một năm đầy khó khăn, không phải vì nhiều biến động từ các chính sách (tiền tệ, lãi suất) mà cơ bản nếu nó “nhúc nhích” sẽ ảnh hưởng đến các chính sách vĩ mô khác.

Hiện nay, lãi suất đang hình thành đường cong chuẩn, nghĩa là kỳ hạn ngắn thì lãi suất thấp, kỳ hạn dài thì lãi suất cao và rủi ro nhỏ lãi suất thấp, rủi ro cao thì lãi suất cao. Điều này cũng phản ánh toàn bộ thị trường tiền tệ đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trong năm 2015, kế hoạch chính của Chính phủ là sẽ phát hành rất nhiều trái phiếu có kỳ hạn trung và dài hạn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại hiện nay đang đầy ắp trái phiếu Chính phủ, vì vậy muốn mở rộng tín dụng thì phải giải phóng trái phiếu Chính phủ, mà điều này lại làm lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ lại tăng lên.

Ông Nghĩa cho rằng, có thể trong quý 3, 4 năm nay sẽ hình thành mặt bằng lãi suất mới, dù không đến mức “điên đảo” nhưng đủ cản trở đà hồi phục của thị trường chung. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp bất động sản đã “thoi thóp” trong một thời gian dài, rồi lòng tin thị trường, niềm tin kinh doanh đang mới chớm trở lại rất có thể sẽ tan biến.

Do đó, ông Nghĩa nhấn mạnh rằng cần hết sức thận trọng và phải có những giải pháp giúp ổn định lãi suất nếu không khi lãi suất tăng lên sẽ rất nguy hiểm.

Liên quan đến lãi suất, ông Nghĩa cho biết năm 2015, áp lực tăng tỷ giá cũng sẽ rất cao. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã có sự chênh lệch giá trị thực giữa đồng USD và VNĐ rất lớn (11-12%). Nếu sắp tới Mỹ cắt các chính sách nới lỏng tiền tệ và lãi suất tăng trở lại thì sẽ tạo tâm điểm thu hút vốn đầu tư trở lại vào Mỹ, làm đồng USD tăng hơn nữa.

Ngoài ra, Nhật, Hàn còn phá giá tiền tệ nhiều hơn. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc suy giảm thì yêu cầu phá giá đồng nhân dân tệ để tăng xuất khẩu (kể cả mậu biên) sẽ cao hơn.

Một yếu tố nữa dự báo tác động lên tỷ giá hối đoái là khả năng năm nay sẽ nhập khẩu mạnh hơn. Điều này có thể làm thâm hụt thương mại và tác động rất lớn lên tỷ giá VNĐ. Về mặt kinh tế, yếu tố này buộc Ngân hàng Nhà nước phải phá giá thêm và điều này có thể xảy ra vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Giá dầu giảm là gói kích thích “trời cho”

Một điểm nữa mà dự kiến sẽ tác động mạnh lên thị trường hiện nay đó chính là yếu tố giá dầu. Các nghiên cứu mới đây về giá dầu có thể ổn định ở mức thấp dài hạn (không phải yếu tố chính trị, mà đây là thành tựu công nghệ thực sự). Rất có thể các nước khác sẽ bắt chước Mỹ để phát triển công nghệ này và khi nó thành đại trà thì triển vọng giá dầu thế giới có thể duy trì mức thấp khá dài.

Trên cơ sở đó, với điều kiện chính sách tiền tệ không còn dư địa, chính sách tài khóa bị giới hạn do nợ công thì đây là gói kích thích “trời cho” đối với toàn thế giới.

Và Việt Nam cũng không nằm ngoài số đó, theo tính toán, nếu giá dầu giảm 10% thì tăng trưởng kinh tế tăng 0.31% và chỉ số giá giảm 0.34%. Yếu tố này sẽ tác động tích cực lên toàn bộ tổng cầu của nền kinh tế (cầu nội địa), trong đó tiêu thụ bất động sản (nhà ở) sẽ hồi phục đáng kể nhất.

Lý giải thêm về sức hút của bất động sản, ông Nghĩa cho biết, trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, toàn bộ nền công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến và chế tạo chủ yếu là gia công và bán lao động rẻ; nền công nghiệp khai khoáng thì chủ yếu là bán tài nguyên thô và toàn bộ nông nghiệp vẫn chủ yếu chế biến thô nông sản… thì hiện vẫn rất thiếu một thị trường nào tạo chuỗi giá trị cao hơn gia công. Vì thế, không lạ gì rất nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư vào thị trường BĐS. 

Trong khi đó, tín dụng chủ yếu vẫn là tín dụng bất động sản, và điều này ngày càng trở thành một thị trường nền tảng với nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng do tính nền tảng nên thị trường bất động sản rất dễ “nóng bỏng”, tạo ra bong bóng và hình thành một cuộc khủng hoảng tài chính, ông Nghĩa cảnh báo thêm.

Cơ sở hạ tầng và rủi ro nợ xấu

Lợi thế khác của bất động sản trong năm 2015 - 2016 là cơ sở hạ tầng sẽ phát triển nhờ tốc độ phát hành trái phiếu tăng mạnh sẽ giúp thị trường hồi phục tốt hơn.

“Có thể nói chúng ta vẫn chưa kỳ vọng gì nhiều vào sự phục hồi của bất động sản nhưng vào năm 2018 thị trường này sẽ trở lại bình thường, những dự án lỗ thì năm này chắc sẽ có lãi trở lại”, ông Nghĩa nhận định.

Cuối cùng, ông Nghĩa cho rằng rủi ro lớn nhất của thị trường BĐS vẫn là nợ xấu. Theo đó, nợ xấu vẫn còn rất lớn mà dù chúng ta “nhốt lại” hay “kéo dài” nó ra thì cuối cùng vẫn còn là cục nợ xấu.

Và nếu không làm tiêu hết cục nợ này thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình cải cách ngân hàng. Điều quan trọng hơn là điều này sẽ cản trở việc hình thành thị trường mua bán nợ, thị trường mua bán, sáp nhập trên thị trường bất động sản (liên quan BĐS còn thế chấp).

Sanh Tín