Ấn Độ bất ngờ hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm 2015, chứng khoán lên kỷ lục

Ấn Độ bất ngờ hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm 2015, chứng khoán lên kỷ lục

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) một lần nữa khiến các thị trường bất ngờ trong ngày thứ Tư khi thông báo hạ lãi suất lần thứ hai trong năm nay, đẩy thị trường chứng khoán nước này lên kỷ lục mới.

* Một ngân hàng trung ương vừa nâng lãi suất lên 30%

* Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất từ ngày 1/3

* Báo động đỏ ! 12 NHTW đã giảm lãi suất trong năm nay

* Thụy Điển hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục dưới 0% và khởi động QE

 

Theo đó, RBI hạ lãi suất repo bớt 0.25% còn 7.5% nhờ lạm phát suy yếu và cam kết cải cách tài khóa của Chính phủ. Lần hạ lãi suất gần nhất, cũng không có kế hoạch trước và không diễn ra tại cuộc họp chính sách định kỳ, diễn ra vào giữa tháng 1/2015 khi RBI cắt giảm lãi suất bớt 0.25%.

Nguyên nhân cho hai lần hạ lãi suất không hẹn trước trong năm nay và khiến các thị trường bất ngờ theo RBI là do sự yếu kém của nền kinh tế.

Chỉ số chứng khoán Nifty của Ấn Độ vọt lên kỷ lục 9,008 điểm ngay lúc mở cửa sau khi nhận được thông tin trên, trong khi BSE Sensex cũng tăng 1.4% lên kỷ lục 30,010.91 điểm, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 30,000. Trên thị trường tiền tệ, đồng rupi tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 so với đồng USD, từ 61.91 lên 61.65.

Bên cạnh quyết định hạ lãi suất, RBI còn thông báo giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu của các ngân hàng. Động thái của RBI diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên công bố ngân sách thường niên vào tuần trước với cam kết đạt được tiến triển trong việc cân đối tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, Chính phủ nước này cũng cho rằng có thể cần thêm hơn một năm so với dự kiến để đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách 3% GDP.

Được biết, cách đây vài ngày, Chính phủ và NHTW Ấn Độ đã nhất trí áp dụng mục tiêu lạm phát. Hiện lạm phát tại nước này đang giảm mạnh do đà sụt giảm của giá dầu và chỉ đạt 5.11% trong tháng 1/2015, thấp hơn so mục tiêu đề ra là 6%.

Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có khoảng 20 ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, chủ yếu là để ngăn lạm phát suy yếu do đà lao dốc của giá dầu. Mới đây, vào cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng hạ lãi suất trong lần nới lỏng chính sách thứ 3 kể từ tháng 11/2014.

Phước Phạm (Theo CNBC)