Thu mua tạm trữ lúa: Nông dân vẫn lỗ

Thu mua tạm trữ lúa: Nông dân vẫn lỗ

“Lỗ quá”, “chắc trả đất lại rồi lên Bình Dương làm thuê” là hai cụm từ mà chúng tôi ghi nhận được từ nhiều người trồng lúa vùng ĐBSCL trong những ngày nơi đây đang bước vào thu hoạch rộ, nhưng giá lúa sụt thêm so với thời điểm trước khi thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực quy gạo.

* Bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014-2015

* 17 ngân hàng cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo

Lãi hay lỗ?

Ông Nguyễn Văn Bé, xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) vừa bán 45 công (4,5ha) lúa OM 6976 (chất lượng cao) với giá 4.500đ/kg vào ngày 3.3, chia sẻ: “Lỗ đến 2 lần”. Ông Bé kể thêm: “Trước tết, “cò lúa” chào giá 4.750đ/kg, nhưng tôi không bán để chờ giá “nhóng” thêm, nhưng đến ngày mua tạm trữ thứ 3, thấy giá lúa vẫn sụt nên phải bấm bụng bán để trang trải chi phí”. Bị mất thêm 200đ/kg lúa, với năng suất 7 tấn/ha, mỗi công ruộng ông Bé mất oan 140.000 đồng, tương ứng 45 công là mất 6,3 triệu đồng.

ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2014-2015

Theo tính toán của Phòng NNPTNT huyện Tân Hồng, không tính công sức chăm sóc của chủ đất, bình quân tổng chi phí cho mỗi công lúa ở Tân Hồng lên đến 25 triệu đồng. Với năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá bán 4.500đ/kg như hiện nay, tổng thu mỗi công (0,1ha), khoảng 3 triệu đồng. Dường như nông dân lãi hơn 1 triệu đồng/công và hơn 10 triệu đồng/ha. Một con số thoạt nghe có vẻ khá an tâm, nhưng mọi chuyện không đơn giản như bài toán cộng. Ông Huỳnh Kim Hải - nông dân thị trấn Sa Rài, Tân Hồng - phân tích: “Do đặc thù vùng đầu nguồn, Tân Hồng chỉ sản xuất 2 vụ/năm. Vì vậy, mức lãi này là thu nhập cho cả 6 tháng. Tính bình quân mỗi hộ với 4 nhân khẩu có 1ha đất, lãi khoảng 12 triệu đồng, tức mỗi người được 3 triệu đồng. Nhưng nếu trải dài ra 6 tháng, con số này chỉ là 500.000 đồng/người/tháng”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tính như vậy vẫn chưa đủ!

Ông Hồ Văn Lý - cán bộ Phòng NNPTNT huyện Tân Hồng - cho biết: “Nếu không sản xuất, cho thuê đất, nông dân thu về trên 1 triệu đồng/công”. Điều này cho thấy, hơn 1 triệu tiền lãi thực chất là lãi vốn tài nguyên của mình chứ không phải từ nguồn lãi từ nghề trồng lúa. Đây cũng là tình cảnh chung của nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Điều này rất nguy hiểm, vì đông-xuân là vụ mang lại lợi nhuận chính trong năm.

“Giằng xé” đồng đất

Điều khiến chúng tôi lo hơn chính là những bất cập này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy giằng xé sự bền vững của đồng đất. Cụ thể, những người liên kết không muốn gắn bó lâu dài với DN trong “cánh đồng liên kết”, “cánh đồng hiện đại” - mô hình được kỳ vọng là chìa khóa để tạo ra sự thành công trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp tạo ra đột phá cho cây lúa, hạt gạo. Là người liên kết với Cty TNHH MTV Tân Hồng (Đồng Tháp) sản xuất 8ha lúa OM 6976 và bán được với giá 4.700đ/kg, tuy nhiên ông Huỳnh Kim Hải (thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) không xem đó là sự tăng giá mua so với “bên ngoài” mà thực chất là chỉ là do… “thu hoạch muộn hơn thời gian ấn định đến 7 ngày, khiến độ ẩm của lúa chỉ còn 20,5 độ”. “Quá bất mãn với lối thu mua qua nhiều tầng nấc trung gian của nhiều DN, tôi liên kết với DN trong mô hình “cánh đồng hiện đại” với hy vọng sẽ có hiệu quả mới. Nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là “rượu cũ trong chiếc bình mới”, ông Hải nhấn mạnh: “Nếu có sự lựa chọn khác, tôi sẽ bỏ liên kết này ngay”.

Chưa kể, trái với lời cảnh báo của các DN xuất khẩu gạo và khuyến cáo của cơ quan nông nghiệp trước đó về việc “hạn chế lúa chất lượng thấp để trồng lúa chất lượng cao”. Hiện, giá thu mua hai loại lúa này đang diễn ra trái ngược. Tại Đồng Tháp, giá lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 6976… chỉ nhỉnh hơn lúa chất lượng thấp như IR 50404 khoảng 50-100đ/kg. Ông Đặng Văn Dũng, người có trên 20 năm gắn bó với nghề trồng lúa ở huyện Tân Hồng - cho biết: “Lúa IR 50404 có chi phí đầu tư thấp hơn lúa chất lượng cao khoảng 200.000 đồng/công, lại ngắn ngày và có năng suất nhỉnh hơn, vì vậy với giá thu mua như hiện nay, khả năng nông dân sẽ quay lại trồng lúa chất lượng thấp là rất lớn”.

Lục Tùng

lao động