Tiết kiệm được 14% phân đạm khi sử dụng Đạm Cà Mau

Tiết kiệm được 14% phân đạm khi sử dụng Đạm Cà Mau

Ngày 19/03 vừa qua, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - DCM) đã tổ chức Hội thảo tổng kết “Mô hình trình diễn phân bón đạm Cà Mau vụ Đông Xuân 2014-2015” tại ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

 

Tham dự hội thảo có đại diện các Sở ban ngành tỉnh Long An và đơn vị phối hợp thực hiện CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) cùng 80 nông dân.

Mô hình được thực hiện với tổng diện tích là 10ha chia cho 05 hộ gia đình, sử dụng giống OM 6976 do AGPPS cung cấp. Mô hình được chia làm hai nghiệm thức: Nghiệm thức 1 bón phân đạm Cà Mau (5ha); Nghiệm thức 2 bón đạm thường (5ha). Quá trình thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật của hai công ty hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật bón phân và kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng cho bà con nông dân. Đến nay lúa trong giai đoạn sắp thu hoạch, nông dân tiến hành cắt 1m2 ở mỗi nghiệm thức để đánh giá kết quả cho thấy năng suất ở nghiệm thức đạm Cà Mau là 1.2kg, còn nghiệm thức đạm thường đạt 1kg.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Thế Nhã, ấp Bình Trung 1, xã Bình Hòa Trung người tham gia mô hình vui mừng nói: “Những năm trước tôi trồng lúa đều sử dụng đạm thường, năng suất trung bình 9 đến 10 tấn/ ha. Hai vụ lúa gần đây tôi chuyển qua sử dụng phân bón đạm Cà Mau tôi thấy rất hiệu quả, vụ Đông Xuân này tôi ước tính năng suất 11 đến 12 tấn/ ha. Qua quá trình sử dụng tôi thấy phân đạm Cà Mau giảm được nhiều chi phí và đặc tính của phân đạm là hạt to dễ rải dễ phối trộn lại phân giải từ từ, cây hấp thụ được lâu nên màu xanh của lá giữ được lâu, cây lúa chắc hơn so với bón những phân bón khác”. Cũng như ông Nhã, anh Võ Văn Quân, ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, cũng là người tham gia mô hình. Anh Quân chia sẽ: “Việc sử dụng tiết kiệm lượng đạm trong canh tác lúa để giảm giá thành sản xuất là niềm hạnh phúc của người nông dân. Giảm lượng đạm nhưng ruộng lúa vẫn phải đảm bảo được năng suất, nên vấn đề là cần gia tăng hiệu quả sử dụng đạm của cây lúa và chống thất thoát đạm trong quá trình canh tác. Hai vụ vừa qua, tôi sử dụng phân bón đạm Cà Mau cho 3ha lúa, nhờ sử dụng đúng phương pháp nên tôi tiết kiệm được khoảng hơn 14% (25kg/ha) lượng phân đạm sử dụng trên một ha lúa. Bên cạnh đó, còn giảm được công lao động do dễ rải và giảm được 01 lần phun thuốc bệnh giai đoạn đẻ nhánh, tiết kiệm chi phí. Điều đáng mừng ở đây là năng suất của tôi cũng tăng lên ước tính vụ Đông Xuân năm nay năng suất khoảng hơn 12 tấn/ ha, tăng 1 đến 2 tấn/ ha so với những năm trước”.

 

Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An -  ông Nguyễn Thanh Tùng

Trong Hội thảo các cán bộ của PVCFC và AGPPS đã hướng dẫn bà con chăm sóc đúng kỹ thuật và khuyên cáo bà con nên sử dụng phân đạm như thế nào cho hiệu quả, các thời điểm khác nhau, nhu cầu về đạm của cây lúa cũng khác nhau. Nên bón phân đạm vào thời kỳ cây sinh trưởng mạnh nhất. Bón phân đạm cần lưu ý tới diễn biến thời tiết. Không nên bón phân đạm lúc mưa to, lúc ruộng vườn đầy nước, cần bón đạm đúng liều lượng và cân đối với phân lân và phân kali. Không nên bón phân đạm tập trung vào một thời điểm, mà cần chia thành nhiều lần để bón và bón vãi đều trên mặt đất ở những nơi cần bón để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Cũng qua cuộc hội thảo này, nhiều nông dân trên địa bàn xã cũng được giám đốc Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Long An chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm trong việc bón phân đạm và khuyên nông dân nên thực hiện theo đúng kỹ thuật để đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả, nhất là khi cả thế giới đang hứng chịu thiên tai do biến đổi khí hậu toàn cầu.

AGPPS