ĐHĐCĐ BMP: Kế hoạch thận trọng do cạnh tranh gay gắt và biến động chi phí nguyên vật liệu

ĐHĐCĐ BMP: Kế hoạch thận trọng do cạnh tranh gay gắt và biến động chi phí nguyên vật liệu

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 sáng ngày 23/04, Ban lãnh đạo CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) tiếp tục đề ra kế hoạch thận trọng cho năm 2015 và trung hạn 3 năm tới (2015-2018) trước những biến động khó lường của chi phí nguyên vật liệu và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong ngành.

 

Kế hoạch lãi 2015 không biến động

Trong năm 2015, HĐQT BMP đề ra kế hoạch khá thận trọng với doanh thu 2,600 tỷ đồng (tăng nhẹ 8% so với thực hiện 2014) và lợi nhuận trước thuế nhích nhẹ so với năm 2014 là 482 tỷ đồng.

Theo BCTC quý 1 gần nhất, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của BMP đạt lần lượt là 560 tỷ và 125 tỷ đồng. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể nhờ chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm. Cũng là nguyên nhân giúp doanh thu của BMP trong kỳ này tuy chỉ tăng thấp (2%), song lợi nhuận lại tăng trưởng khá tốt (16.8%) so với cùng kỳ 2014.

Còn trong quý 2 sắp tới, Ban lãnh đạo BMP đề kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 660 tỷ và 125 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề chi phí nguyên vật liệu, nhìn lại trong năm 2014, việc giá xăng dầu biến động mạnh đã làm chi phí nguyên vật liệu đầu vào trong hơn 10 tháng đầu năm của BMP tăng bình quân 5%, khiến lợi nhuận không đạt được như kế hoạch dự tính như ban đầu.

Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của BMP (2012 - 2014)

Đứng trước nhiều ý kiến của cổ đông về việc dự báo biến động của chi phí giá vốn trong năm 2015, ông Nguyễn Hoàng Ngân – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BMP cho biết, việc này là rất khó vì ngay cả nhà cung cấp nguyên vật liệu lớn của công ty bên Thái Lan cũng chỉ đề ra được kế hoạch 3 tháng. Ông Ngân cũng cho biết chi phí đầu vào tuy có giảm nhưng bắt đầu từ tháng 2 đã có dấu hiệu tăng trở lại và có thể chi phí này sẽ bằng với bình quân các quý trong năm 2014.

Chia sẻ về kế hoạch trung hạn 2015-2018, ông Ngân cho biết doanh thu và sản lượng sẽ tăng trưởng tầm 8% và lợi nhuận trước thuế sẽ là 4%. Cổ tức trong giai đoạn này tiếp tục ở mức cao với trên 20%.

Còn cổ tức còn lại trong năm 2014 (25%) dự kiến sẽ được chi trả cho cổ đông vào tháng 6/2015 sau khi hoàn tất thủ tục trong tháng 5.

Nhìn lại thị trường cạnh tranh trong năm 2014, khá nhiều đối thủ trong ngành đã cạnh tranh “sống chết” với việc tăng đột biến khoản chiết khấu hàng cho nhà phân phối đại lý, bà Nguyễn Thị Kim Yến – Phó Tổng Giám đốc kinh doanh cho biết giá bán và chính sách chiết khấu trong năm 2015 của BMP sẽ không có nhiều biến động vì nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của hàng ngàn đại lý phân phối của công ty trên cả nước.

Nói về cơ hội cho BMP mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Doanh cho biết, theo kế hoạch trung hạn thì công ty vẫn chủ yếu gia tăng thị phần ở thị trường nội địa và hạn chế sự thâm nhập thị trường của các đối thủ lớn đến từ nước ngoài.

“Hiện tại, nước ta vẫn chưa có năng lực sản xuất thiết bị và các hóa chất phụ phẩm phụ trợ cho ngành này, cùng với giá thành vận chuyển có thể đội lên 8-10% khiến giá thành sản phẩm của BMP khó lòng có thể có giá cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài” Ông Doanh chia sẻ thêm.

Sẽ không phát triển “nóng”

Nói về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy 4 ở Long An, hiện tại BMP đã đầu tư 80 tỷ trong số 167 tỷ đồng kế hoạch đề ra ở đầu năm. Ông Ngân cho biết, nhà máy 4 không phải dự án độc lập mà là dự án bổ sung, trong thời gian tới chủ yếu vận hành từ những máy móc được luân chuyển từ nhà máy chính và một phần sẽ là tổng kho của công ty, chính vì vậy sẽ không tính sản lượng và điểm hòa vốn riêng cho dự án này.

Ông Lê Quang Doanh – Chủ tịch HĐQT BMP cho biết công ty sẽ không đầu tư ồ ạt vì dễ gây ra tăng trưởng nóng, hiệu quả sử dụng vốn giảm thấp, ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông mà thay vào đó sẽ đầu tư rất thận trọng.

“Đầu tư từng bước, tập trung vào việc tăng dần năng lực nội tại và dần đáp ứng, tiệm cận dần đúng với nhu cầu khách hàng. BMP sẽ chú trọng đầu tư đến đâu, khai thác đến đó” ông Doanh nhấn mạnh.

SCIC chưa có kế hoạch thoái hết vốn tại BMP

Trao đổi về kế hoạch thoái vốn bên lề đại hội với người viết, bà Nguyễn Hồng Minh – Thành viên HĐQT BMP – Chuyên viên Ban đầu tư 3 của Tổng công ty vốn đầu tư nhà nước (SCIC) cho biết SCIC chưa có kế hoạch thoái hết vốn đầu tư vào BMP trong năm nay. Nếu có SCIC chỉ bán một phần rất ít, tầm 200,000-300,000 cp khi đạt được mục tiêu lợi nhuận ban đầu của danh mục này.

Theo Báo cáo thường niên của BMP, hiện SCIC đang sở hữu hơn 13.4 triệu cp, tương ứng gần 29.5% vốn điều lệ của BMP. Một cổ đông tổ chức nước ngoài khác là The Nawaplastic (Saraburi) Co. Ltd cũng đang nắm giữ phần khá lớn với gần 9.3 triệu cp, tương ứng sở hữu gần 20.4%.

Thông tin chi tiết về cổ đông lớn của BMP

Nguồn: BCTN 2014 BMP

Đức Phương