Điều gì khiến giới đầu tư Việt giao dịch quá mức?

Điều gì khiến giới đầu tư Việt giao dịch quá mức?

Việc giao dịch quá mức (overtrading) luôn là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Liệu có phải do kiến thức kém, thông tin ít ỏi... đã khiến cho nhà đầu tư ở Việt Nam mắc phải hội chứng này hay đây chỉ đơn giản là bản chất của con người?

Tìm hiểu về Tài chính hành vi (Behavioral Finance)

Các trụ cột của lý thuyết tài chính như Lý thuyết danh mục đầu tư của Harry Markowitz, Mô hình định giá tài sản CAPM của John Lintner và William Sharpe, Lý thuyết chênh lệch giá của Miller và Modigliani, Mô hình Black-Scholes... đều dựa trên nền tảng của Lý thuyết Thị trường hiệu quả (EMH - Efficient Market Hypothesis).

Thực tế cho thấy các lý thuyết và mô hình trên khó giải thích được một cách trọn vẹn các cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và những biến động bất thường của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Dựa trên giả định cơ bản là thị trường không thể luôn luôn đúng, Daniel Kahneman, Robert J. Shiller... đã xây dựng và phát triển Tài chính hành vi thành một đối trọng với lý thuyết Tài chính chuẩn tắc. Với Tài chính hành vi (Behavioral Finance), chúng ta sẽ giải thích được tại sao nhà đầu tư ở Việt Nam lại giao dịch quá mức (overtrading) và có xu hướng giao dịch ngắn hạn.

Các khuynh hướng tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam và cách khắc phục

Người viết nhận thấy nhà đầu tư Việt Nam thường mắc phải vấn đề tâm lý như sau:

Thứ nhất là quá tự tin (overconfidence) và quá lạc quan (overoptimism). Điều này có thể dẫn đến các hành động lệch lạc trong hành vi đầu tư. Quá tập trung vào việc dự báo thị trường (forecast, predict) là một biểu hiện cơ bản của trạng thái quá tự tin và quá lạc quan.

Theo nghiên cứu của James Montier (2007), trạng thái này thường làm cho các nhà đầu tư giao dịch nhiều hơn những nhà đầu tư khác và kết quả là hiệu quả sẽ không cao.  

Thứ hai là tâm lý bầy đàn (herding bias). Theo nghiên cứu của Hirschleifer (2001) thì yếu tố này thuộc khuynh hướng xã hội (social bias). Điều này sẽ gây thua lỗ cho nhà đầu tư bằng cách khiến họ tin vào những tin đồn trên thị trường, những câu chuyện đầu tư hấp dẫn được viết ra bởi những “tay to” hoặc chỉ đơn giản mua/bán những cổ phiếu được quá nhiều người chú ý hay nhắc đến.

Thứ ba là sự ác cảm đối với thất bại (loss aversion bias). James Montier đã chỉ ra rằng con người sợ thất bại với một cường độ gấp nhiều lần so với việc họ thích lợi nhuận. Vì vậy, điều này kích thích khuynh hướng đầu tư ngắn hạn và giao dịch nhiều ở nhà đầu tư, đặc biệt là khi có các đợt giảm đột ngột (thrust down). Nhà đầu tư sẵn sàng chốt lời sớm dù lợi nhuận là rất nhỏ hoặc thậm chí không có lời để không bị rơi vào trạng thái lỗ nếu đợt giảm mạnh vẫn tiếp tục (dù thị trường hoặc cổ phiếu không hề có tin xấu nào).  

Cách khắc phục. Theo các chuyên gia về Tài chính hành vi thì một số biện pháp sau có thể giúp hạn chế bớt các khuynh hướng tâm lý trên:

Thứ nhất là cần hướng sự tập trung vào việc nên phản ứng (react) như thế nào với thị trường khi thị trường tăng/giảm thay vì tập trung vào việc dự báo (forecast, predict) thị trường sẽ tăng/giảm như thế nào. Nói cách khác, nhà đầu tư nên dành nhiều thời gian để xây dựng chiến lược đầu tư và quản trị rủi ro thay vì quá thiên về dự báo thị trường.

Thứ hai là nên tập trung chú ý vào các tín hiệu dài hạn thay vì chìm đắm vào các dao động ngắn hạn (short-term swings). Vì thực tế cho thấy các tín hiệu dài hạn của cả phân tích kỹ thuật lẫn phân tích cơ bản đều cho tín hiệu ổn định và chính xác hơn so với tín hiệu ngắn hạn.

Thứ ba, nhà đầu tư nên coi các tin đồn (rumour), tin nội gián (inside information).... như là những yếu tố bổ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định cho quá trình đầu tư. Một cố phiếu lý tưởng để đầu tư trước hết cần thỏa mãn các yếu tố lựa chọn theo phân tích cơ bản (bị định giá thấp, lợi nhuận tăng trưởng...) và có tín hiệu mua theo phân tích kỹ thuật chứ không phải chỉ đơn giản là có tin đồn “hấp dẫn”.

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock