Sức ép sẽ đến từ dịch vụ NH bán lẻ

Sức ép sẽ đến từ dịch vụ NH bán lẻ

Trong thời gian tới, khi sự tham gia của các NH ngoại sẽ sâu và rộng hơn, nó sẽ tạo sức ép gì đối với các NH nội, nhất là trong bối cảnh hệ thống NH đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

TS. Võ Trí Thành

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã trao đổi với TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.

Ông nghĩ sao về sự tham gia ngày càng sâu rộng của các NH nước ngoài tại Việt Nam?

Đứng ở góc độ thị trường, thị trường NH Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh và đây là tín hiệu tốt. Những NH nào có nền tảng tài chính, chất lượng dịch vụ tốt có thể tận dụng học hỏi kinh nghiệm quản lý, công nghệ thông tin hiện đại qua nhiều hình thức khác nhau từ các NH ngoại. Nhưng khác với thị trường sản xuất hàng hoá thông thường khác, có hai vấn đề mà các NH cần phải lưu ý khi hội nhập. Đó là vấn đề tài chính và giám sát các luồng tiền.

Ông có thể nói rõ hơn nhận định này?

Với nền kinh tế mà ngày càng phát triển, mở cửa với bên ngoài và đòi hòi phải tự do hoá tài chính hơn sẽ hình thành một hệ thống tài chính ngày càng phức tạp cả quan hệ trong, ngoài nước cũng như độ tinh xảo ngày càng cao đặt ra áp lực đối với cơ quan giám sát. Thông qua cạnh tranh, các NH sẽ được học hỏi nâng cao trên nhiều phương diện.

Nhiều nghiên cứu trước đây của WB cũng đã minh chứng sự tham gia định chế tài chính nước ngoài vào một quốc gia đang phát triển đều khá là tốt, nhưng chỉ trong điều kiện bình thường. Còn trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, hệ thống NH gặp khó khăn thì có thể sẽ có vấn đề. Lúc đó không loại trừ khả năng các định chế tài chính tháo chạy khỏi quốc gia, mà hệ thống tài chính NH như mạch máu của quốc gia, nền kinh tế, trong trường hợp nước ngoài họ rút vốn thì sẽ làm cho nền kinh tế bị tác động mạnh vì nó gắn với các dòng chảy tiền, vốn, tín dụng, thanh toán…

Thực tế này đã diễn ra vào những giai đoạn đầu khủng hoảng ở một số nước Đông Âu cũ. Đấy cũng là điều gây rất nhiều tranh cãi giữa vai trò của Nhà nước, của định chế trong nước với vai trò của định chế nước ngoài. Cũng vì lẽ đó mà có những quốc gia cho phép mức độ sở hữu tư nhân nước ngoài rất là cao. Nhưng cũng có không ít quốc gia tỷ lệ là còn hạn chế, thận trọng trong việc mở cửa cho các định chế tài chính nước ngoài tham gia vào, đặc biệt là NH. Thậm chí có những nước vẫn giữ một tỷ lệ sở hữu Nhà nước nhất định.

Điều gì khiến các định chế tài chính nước ngoài đẩy mạnh việc hiện diện tại Việt Nam?

Một nền kinh tế đang phát triển, chính sách mở cửa và được đánh giá có tiềm năng phát triển, thì dưới góc độ thị trường, đây là chỗ họ mong muốn để tìm kiếm lợi nhuận cao nhất. Thứ hai, vai trò FDI đối với kinh tế Việt Nam rất lớn và các quốc gia muốn mở NH tại các nước mà họ đầu tư để hỗ trợ cho DN của nước mình hoạt động phát triển một cách thuận lợi nhất.

Theo ông, lĩnh vực nào các NH nội phải dè chừng đối với NH ngoại?

Tôi nghĩ là tất cả. Bởi vì bây giờ các xu hướng dòng tiền của các định chế tài chính tương tác dưới nhiều góc độ cho vay, đầu tư… Cho nên tính hội tụ của công cụ tài chính ngày càng thu hẹp lại. Điều này đòi hỏi các NH phải hiểu biết trên tất cả các khía cạnh của ngành tài chính NH để có thể ứng xử phù hợp như khung khổ pháp lý, giám sát... Đây là vấn đề không dễ đối với NH nội trước các NH ngoại nhiều kinh nghiệm, quản lý tốt và vốn liếng mạnh hơn.

Nhưng nếu đi sâu vào chi tiết, đi vào từng khu vực thì trong một chừng mực nhất định không phải NH nội toàn là yếu thế hơn. Ví dụ, mạng lưới chi nhánh, giao diện NH Việt tốt hơn, đặc biệt, NH nội hiểu tâm lý của người dân hơn các NH ngoại. Trong khi đó giao diện các định chế tài chính nước ngoài chỉ nổi trội hơn đối với các DN FDI. Tuy nhiên, dù các NH nội có những lợi thế nhất định nhưng không phải lúc nào cũng “dễ chơi”. Nhất là “trò chơi” này phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ hiện đại, đánh giá, quản lý rủi ro...

Vì vậy, ngay từ bây giờ nếu các NH nội không tạo dựng, đầu tư vào nền tảng này thì với những trò chơi khác trong một thế giới đầy thông tin, cởi mở như hiện nay rất có thể họ sẽ không đủ linh hoạt, thích ứng với thời cuộc.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền

thời báo ngân hàng