ĐHĐCĐ SFG: Đối mặt nhiều khó khăn, kế hoạch lãi 2015 nhích 1%

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ SFG: Đối mặt nhiều khó khăn, kế hoạch lãi 2015 nhích 1%

Nhận định 2015 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành sản xuất phân bón, vì thế sáng 09/05, HĐQT của CTCP Phân bón miền Nam (HOSE: SFG) trình ĐHĐCĐ kế hoạch tổng doanh thu tiêu thụ 2,310 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và lợi nhuận 126 tỷ đồng, chỉ nhích 1% so thực hiện 2014. Cổ tức dự kiến không thấp hơn 15%.

12h45: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình trong đó có việc bầu HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 đều là những gương mặt mới gồm:

  • Ông Trần Hữu Cuông
  • Ông Lâm Thái Dương (Chủ tịch HĐQT)
  • Ông Phùng Quang Hiệp (Tổng giám đốc)
  • Ông Lê Việt Hưng
  • Ông Trần Phi Hùng

BKS gồm:

  • Ông Trần Phương Bình
  • Bà Nguyễn Thị Thùy Dương
  • Bà Vũ Trịnh Diễm Hồng

09h50: Đại hội thảo luận

Cạnh tranh thế nào khi nhà máy của Đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động?

Về sản phẩm NPK, năm tới sẽ có nhà máy của Đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động với công nghệ hiện đại, rồi nhà máy ở Ninh Bình thì ban lãnh đạo có kế hoạch gì để cạnh tranh với những sản phẩm này?

Tổng giám đốc Phùng Quang Hiệp cho hay SFG hiện không chỉ có sản phẩm phối trộn mà có cả hóa lỏng. Khách hàng đánh giá sản phẩm của SFG tốt và công ty khẳng định thị trường trong nước là chủ yếu, bên cạnh đó cũng tăng cường xuất khẩu.

Sản phẩm của Đạm Phú Mỹ đã tràn lan trên thị trường, chính vì vậy SFG  phải cải tiến công nghệ, giảm thiểu chi phí, ổn định chất lượng, phát triển khách hàng, phát triển thương hiệu tốt hơn.

Còn về đầu tư, SFG dự kiến cuối quý 2 đầu quý 3 sẽ đầu tư nhà máy tại Hiệp Phước với công suất 100,000 tấn sẽ cần khoảng 73 tỷ đồng.

Thông tin cụ thể hơn về liên doanh LG Vina?

LG Vina có vốn điều lên 1.33 triệu USD, tỷ lệ đầu tư của SFG là 35%. Công ty này chuyên sản xuất sản phẩm hóa dệt, đang định hướng sản xuất thêm một loại sản phẩm nhựa có tính chất chịu nhiệt dùng trong điện.

Tình hình kinh doanh tại hai lô đất ở Kinh Dương Vương, TPHCM?

UBND Thành phố đang có ý định thu hồi hai khu đất này, trong đó SFG đầu tư một số sản phẩm trên đất và đang tiến hành đòi giá trị phần tài sản trên đất đó khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Cạnh tranh là nhân tố then chốt làm sản lượng tiêu thụ NPK giảm

Đại diện SCIC ý kiến vì sao năm 2014 tiêu thụ sản phẩm NPK và super lại giảm 7%, có phải do ảnh hưởng của biến động giá dầu?

Doanh thu và chi phí 2014 đều giảm cũng một phần bị ảnh hưởng của biến động giá dầu từ quý 4 nhưng không nhiều. Mà chủ yếu do cạnh tranh của các sản phẩm khác.

Tỷ trọng doanh thu giữa các thị trường?

Tây Nguyên chiếm tỷ trọng nhiều nhất (30% về NPK), miền Bắc (khoảng 12%), còn lại ĐBSCL và miền Trung không cao.

Hàng tồn kho 633 tỷ đồng có hàng kém phẩm chất không?

Mặt hàng này vẫn có kém phẩm chất nhưng công ty kiểm soát được, chiếm khoảng dưới 3%.

Khoản phải thu gần 286 tỷ đồng như thế nào?

Tùy mức độ phân loại và công ty có trích lập đầy đủ các khoản phải thu khó đòi. Bán NPK bây giờ phải cho trả chậm mới tiêu thụ được, nhưng tối đa 90 ngày.

08h15: Đại hội bắt đầu với sự tham gia của 95 cổ đông, đại diện cho 85.96% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHĐCĐ SFG bắt đầu với sự tham gia của 95 cổ đông, đại diện cho 85.96% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết

2015 ngành phân bón tiếp tục khó khăn

Ban lãnh đạo SFG đánh giá 2015 là năm còn nhiều khó khăn phức tạp hơn năm 2014 đối với ngành sản xuất phân bón. Tình trạng sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả không những giảm mà còn tăng cao, đặc biệt là những thị trường như Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, do lợi nhuận quá lớn nên các đại lý phân phối đã bắt đầu tham gia kinh doanh loại sản phẩm này. Mặt khác do tình trạng phân bón giả tràn lan khiến niềm tin của nông dân suy giảm nên họ chuyển sang dùng phân đơn chất nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản tiếp tục giảm sâu và khủng hoảng, nhiều nhất là cao su, đường, lúa gạo nên mức đầu tư của nông dân và một số nông trường quốc doanh giảm nhiều so 2014, ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón.

Thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, một số doanh nghiệp cùng ngành do nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền sản xuất phân bón NPK hiện đại khiến thị trường xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt.

Ngoài ra, việc thay đổi thuế suất VAT đối với mặt hàng phân bón từ 5% thành không chịu thuế từ đầu 2015 đã làm cho giá thành sản xuất phân bón của công ty tăng từ 3% lên 5% so với năm trước, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và cạnh tranh của công ty.

Với nhận định đó, SFG đặt kế hoạch tổng doanh thu tiêu thụ 2,310 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và lợi nhuận 126 tỷ đồng, cũng chỉ nhích 1% so thực hiện 2014. Cổ tức dự kiến không thấp hơn 15%.

Các chỉ tiêu sản xuất khác trong năm nay như super lân các loại đạt 182,000 tấn, tăng 1%; phân bón NPK 231,000 tấn, giảm 5%; A xit Sunphuric 73,500 tấn, giảm 11%; bao bì 14 triệu cái, tăng 25%; phân bón Yogen (dạng bột+lỏng) 200,000kg, tăng 14%.

Còn về tiêu thụ, super lân các loại tăng 17%, NPK giảm 1%, axit sunphuric giảm 10%, bao bì tăng 16% và Yogen dạng bột tăng 6%.

Xuất khẩu năm 2014 tăng 58% tới 15 nước

SFG cũng cho biết, trong năm 2014 công ty thực hiện được 2,242 tỷ đồng tổng doanh thu tiêu thụ, đạt 85% kế hoạch năm. Lợi nhuận 124.6 tỷ đồng, suýt soát kế hoạch với 97%. Cổ tức tỷ lệ 20%.

Năm qua sản lượng xuất khẩu của SFG tăng 58% so với 2013, hiện công ty đã xuất đi hơn 15 nước trên thế giới. Tăng cường xuất khẩu là một trong những mục tiêu và định hướng của SFG trong điều kiện sức mua của thị trường nội địa giảm mạnh, đồng thời giúp công ty chủ động trong việc cân đối ngoại tệ.

Công ty cũng đã đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất phân bón NPK theo công nghệ tạo thùng quay, công suất 60,000 tấn/năm tại nhà máy phân bón Cửu Long từ hệ thống sấy đơn sang sấy kép. Ngoài ra, hiệu quả từ việc đầu tư bồn chứa H2SO4 tại nhà máy super phốt phát Long Thành từ năm trước đã phát huy hiệu quả vì giá thành nhập sản phẩm này chỉ bằng 55% so với sản xuất lưu huỳnh.

Thanh Nụ