DNNY ngành dược quý 1/2015: Bước đi chậm rãi

DNNY ngành dược quý 1/2015: Bước đi chậm rãi

Qua quý 1/2015, với 12 doanh nghiệp niêm yết, tổng doanh thu cũng như lợi nhuận ngành dược phẩm chỉ tương đương cùng kỳ, lần lượt là 2,474 và 271 tỷ đồng. Thì tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận sau thuế cũng ở mức đi ngang với 38% và 11%.

Theo kế hoạch 2015, những doanh nghiệp này kỳ vọng doanh thu sẽ đạt khoảng 12,125 tỷ đồng, tăng trưởng 6.5% so với năm trước đó. Như vậy, với tổng doanh thu quý 1 đạt 2,474 tỷ đồng thì ngành đã thực hiện được gần 20% kế hoạch năm.

Doanh thu thực hiện 2014, quý 1/2015 và kế hoạch 2015 của DN dược niêm yết

Nguồn số liệu: VietstockFinance

Sự biến động doanh thu theo hướng tích cực nhất là Dược phẩm Traphaco (TRA), đạt gần 461 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ. Doanh thu của SPM, Dược Thú y Cai Lậy (MKV) và Dược phẩm Imexpharm (IMP) cũng tăng từ 20% trở lên, đạt lần lượt 157 tỷ, 15 tỷ và 218 tỷ đồng.

Ở chiều hướng giảm, đáng chú ý là DMCDCL. Dược phẩm Domesco (DMC) có doanh thu giảm hơn 44%, còn khoảng 259 tỷ đồng; còn Dược Cửu Long (DCL) giảm gần 21%, đạt 144 tỷ đồng. Cả hai doanh nghiệp vẫn chưa có giải trình nào kết quả sụt giảm mạnh này.

Ông lớn có doanh thu lớn nhất trong ngành là Dược Hậu Giang (DHG), ghi nhận 669 tỷ đồng, nhưng cũng giảm đi gần 9% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này đã đánh mất đi vị thế đứng đầu tỷ suất lợi nhuận gộp về tay Dược phẩm OPC (đạt gần 52%) khi giảm về còn 44%.

* ĐHĐCĐ IMP: Kế hoạch lãi trước thuế 130 tỷ đồng, cổ tức 20%

* ĐHĐCĐ OPC: Năm 2015 duy trì tăng trưởng thấp, chưa có nhiều đột phá

* Dược Hậu Giang: Nâng mức cổ tức 2014 lên 30%

Doanh thu và lợi nhuận quý 1/2015 của DN dược niêm yết

Nguồn số liệu: VietstockFinance

Không chỉ có doanh thu đi ngang, lợi nhuận sau thuế toàn ngành dường như cũng dậm châm tại chỗ với 271 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ chưa đến 4% so với quý 1/2014. 4 doanh nghiệp ghi nhận lãi tăng trong khi có có đến 7 doanh nghiệp giảm lãi và riêng Dược thú y Cai Lậy (MKV) thì thua lỗ trong quý 1/2015.

Trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận thì TRA dẫn đầu với hơn 118% khi đạt 39.6 tỷ đồng; kế đến là IMP và DHT tăng gần 20%, đạt lần lượt 26 tỷ đồng và 7 tỷ đồng. DCL giảm tới hơn 20% doanh thu nhưng kết quả lãi ròng vẫn tăng trưởng gần 10% khi đạt 13 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp còn lại đều sụt giảm lợi nhuận. Tình hình cạnh tranh khốc liệt hiện nay đã khiến cho doanh thu trong kỳ của CPC giảm, nhưng kết quả kinh doanh được cứu vớt thua lỗ nhờ thu nhập khác gấp 3 lần cùng kỳ. DHG cũng thuộc nhóm suy giảm lợi nhuận, quý 1 cổ đông Công ty mẹ có được hơn 112 tỷ đồng lãi, tuy vẫn dẫn đầu ngành nhưng đã giảm hơn 5% cùng kỳ.

Với trường hợp doanh nghiệp duy nhất bị lỗ trong ngành là MKV với mức âm gần 1.2 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý tăng đáng kể đã “ngốn” đi hết thành quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp này mặc dù doanh thu thuần tăng trưởng không nhỏ (25%) và đạt gần 15 tỷ đồng.

Nợ phải trả giảm gần 20% so với đầu năm

Một báo cáo khác về ngành dược đầu năm 2014 của CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2009-2013, ngành dược đã gia tăng liên tục mức độ sử dụng nợ nhằm tài trợ cho quá trình tăng trưởng. Thống kê toàn ngành của CTS chỉ ra tỷ lệ nợ/tổng tài sản các doanh nghiệp ngành dược thường lớn hơn 50%.

Tuy nhiên, với thống kê từ các doanh nghiệp niêm yết trong 3 tháng đầu năm nay thì đòn bẩy tài chính mà các doanh nghiệp sử dụng tính đến 31/03/2015 chỉ vào khoảng 30% và hầu hết sử dụng nợ vay ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. So với đầu năm thì nợ phải trả của 12 doanh nghiệp đã báo cáo kết quả giảm được hơn 14%, còn khoảng 2,682 tỷ đồng.

Các ông lớn như DHG, TRA, OPC và IMP có hệ số nợ dưới mức 30%, chi phí lãi vay lãi vay rất thấp, thậm chí không phát sinh, nhờ đó mà mức sinh lời tốt hơn. Hầu hết thị trường tìm đến các cổ phiếu ngành này theo hướng chiến lược dài hạn, thị giá của các cổ phiếu này không hề thấp và cổ tức qua các năm cũng không hề nhỏ với phần lớn trên 20%.

Vốn và nợ tính đến cuối quý 1/2015 của DN dược niêm yết

Nguồn số liệu: VietstockFinance

Với MKV, DHT và DCL, mặc dù hệ số nợ phải trả cao nhất trong ngành dược niêm yết nhưng cũng có thể thấy khoản nợ phải trả đã giảm đi phần nào trong 3 tháng đầu năm.

Riêng SPM, hệ số nợ gia tăng khi mà Công ty đang đặt kỳ vọng trong 5 năm tới sẽ trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành cũng như top 3 doanh nghiệp có chất lượng cao của ngành.

Trong khi đó TRA tăng nợ phải trả tới hơn 40%, doanh nghiệp này nhận thấy rủi ro trong nguồn cung ứng nguyên liệu không ổn định cả về giá cả lẫn chất lượng nên đang chủ động xây dựng một số quy trình trồng trọt, chế biến và bảo quản dược liệu.

Trần Hạnh