Giá cà phê xuống đáy

Giá cà phê xuống đáy

Giá cà phê nội địa lập đáy mới. Giá kỳ hạn robusta châu Âu xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm nay. Hậu quả thua lỗ do đầu cơ giá lên, do ủng hộ trữ hàng và mở kho, thắt đường xuất khẩu, nay quá nặng nề. Không có biện pháp ngăn ngừa, nông dân và doanh nghiệp cà phê trong nước gánh chịu.

Biểu đồ 1: Diễn biến giá cà phê trên thị trường nội địa do tác giả tổng hợp

Khả năng mất trắng vốn đã cận kề

Thị trường cà phê nội địa rúng động do giá trên hai sàn kỳ hạn giảm mạnh mấy ngày  gần đây. Giao dịch mua bán mới hầu như ngưng trệ khi giá sàn robusta tại châu Âu xuống dưới 1.700 đô la Mỹ/tấn.

Giá xuống, nhiều người áng chừng giá nội địa sáng nay thứ Bảy 23-5 ở dưới mức 35 triệu đồng/tấn. Nhiều người tin nếu tiếp tục đeo bám theo sàn kỳ hạn thế này, giá cà phê trong nước còn xuống nữa vì đã thủng qua đáy 35 triệu đồng/tấn lập trước đây vào giữa tháng 3-2015 (xem biểu đồ 1).

“Từ mấy tháng nay, nhiều người đưa hàng đi gởi kho nhưng không bán được một hột nào do bán theo phương thức giá chốt sau (price-to-be-fixed) với mức rất thấp, mức trừ rất sâu dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn,” anh Vinh, một đại lý thu mua tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nói.

Thật vậy, nếu giá bán trước đây trừ 80-100 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn, bây giờ giá xuất khẩu cộng 50 đô la/tấn, thì cách biệt giá bán giao vào kho nay thua giá chào mới chừng 150 đô la/tấn, cách nhau trên 3 triệu đồng/tấn, người gởi kho chỉ “bó gối” ngồi xem đồng nghiệp giao dịch, anh Vinh kể tiếp.

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa cà phê kỳ hạn châu Âu trong tháng 5-2015 do tác giả tổng hợp

Thua vì do bán trừ lùi?

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 22-5, giá kỳ hạn robusta châu Âu đóng cửa chốt mức 1.626 đô la Mỹ/tấn, cận kề với mức thấp nhất 1.625 đô la/tấn lập vào ngày 2-1-2014 (xem biểu đồ 2). Mức 35 triệu đồng/tấn cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay 23-5 cũng là mức thấp nhất của niên vụ 2014/15 bắt đầu từ ngày 1-10-2014.

Tin đồn trên thị trường cho rằng các chủ kho đang buộc người giao hàng vào kho chưa chốt phải bán, nếu không, khi thị trường xuống, hợp đồng sẽ tự động bán đúng mức lượng tiền họ đã ứng (thường là 70% giá trị hợp đồng thời điểm giao hàng) để ngăn rủi ro cho phía bên mua. Đây được gọi là bán “chặn lỗ” (stoploss). Thật ra, bán chặn lỗ thường đem lại lợi lớn cho chủ kho vì giá “bị mua” quá rẻ so với thị trường, nhưng thiệt hại nặng nề nằm phía bên bán.

Một số người cho rằng do bán theo phương thức “trừ lùi” tính trên giá chênh lệch như trên là rất nguy hiểm. Hoàn toàn không phải thế. Tâm lý đầu cơ, theo thông tin thiếu chính xác, nhận định theo chiều của người có tiền là đầu cơ tài chính trên thị trường hàng hóa mà không dám thoát khỏi nó, rủ nhau trữ hàng nhưng lại không mở “đường tránh” là vốn và tài chính… chính là những lý do khiến các ngành xuất khẩu hàng hóa nước ta dễ trở thành người “thất thế”, ngành cà phê không phải là ngoại lệ.

Xem thêm tại đây

Nguyễn Quang Bình

tbktsg