Hiện tượng dòng tiền đến rồi đi ở QBS

Hiện tượng dòng tiền đến rồi đi ở QBS

Kết quả kinh doanh thực tế năm 2014 tích cực với lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với năm trước. Kế hoạch năm 2015 tiếp tục ấn tượng và chuẩn bị tăng vốn “khủng”. Tuy nhiên, dòng tiền ở cổ phiếu QBS vẫn không ổn định, vì sao?

Cổ phiếu lao dốc bất chấp kết quả kinh doanh 2014 khả quan

Cổ phiếu CTCP Xuất Nhập Khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) thu hút sự chú ý của giới đầu tư với 6 phiên tăng mạnh liên tục sau khi chào sàn ngày 13/11/2014. Nhờ đó, QBS đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất vào ngày 21/11/2014 ở mức 28,400 đồng/cp (tăng 77.5% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16,000 đồng/cổ phiếu).

Tuy nhiên, sau giai đoạn ấn tượng này, QBS đã chìm vào chuỗi giảm điểm cũng ấn tượng không kém khi rớt “không phanh” về mức thấp nhất được thiết lập vào ngày 07/05/2015 là 9,600 đồng, tương ứng mức giảm mạnh 66%.

Diễn biến giao dịch của QBS từ khi bắt đầu niêm yết (Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/)

Đáng chú ý là giá cổ phiếu QBS đã lao dốc mạnh mẽ bất chấp việc công ty này đón nhận KQKD năm 2014 tích cực. Theo đó, doanh thu trong năm 2014 đạt 2,655 tỷ đồng, tăng mạnh 37% so với năm 2013; lợi nhuận gộp đạt mức tăng trưởng ấn tượng với gần 93% khi đạt 151 tỷ đồng. Bên cạnh sự tăng trưởng tích cực của doanh thu, thì việc tỷ lệ lãi gộp tăng lên 5.7% trong năm 2014 so với 4% của 2013 đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận gộp của công ty.

Với lợi nhuận gộp tăng trưởng đột biến, trong khi mức tăng chi phí ở các khoản mục như tài chính, quản lý, bán hàng không quá mạnh đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 64.4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013.

Vi sao giá cổ phiếu QBS lao dốc?

Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2014, thì việc cổ phiếu QBS bị bán tháo mạnh trong thời gian vừa qua có thể xuất phát từ:

Cổ đông tổ chức thoái vốn liên tục. VIX là cổ đông lớn của QBS đã bán ra tổng cộng 4 lần liên tục kể từ ngày 27/11/2014. VIX đã bán ra tổng cộng 1,297,670 cổ phiếu, tương ứng 4% vốn điều lệ (tại thời điểm chưa phát hành cổ phiếu trả cổ tức) và chỉ còn nắm 1,113,810 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3.48% (tại thời điểm chưa phát hành cổ phiếu trả cổ tức).

Tuy khối lượng bán của VIX không quá lớn so với thực tế giao dịch của cổ phiếu QBS, nhưng việc một cổ đông tổ chức lớn liên tục tháo hàng có thể đã tác động tiêu cực không nhỏ đến tâm lý của giới đầu tư.

Quy mô tài sản tăng trưởng đột biến nhưng hàm chứa rủi ro. Một điểm ấn tượng của QBS là quy mô tài sản đã có hiện tượng tăng trưởng đột biến trong quý 4/2014. Theo đó, tổng tài sản của QBS đến cuối quý 4/2014 là 1,560.5 tỷ đồng, tăng gần 2.4 lần so với quý 3/2014.

Tài sản của QBS tăng nhanh tập trung chủ yếu ở 3 khoản mục chính là: (1) Hàng tồn kho từ mức 38 tỷ đồng cuối quý 3/2014 lên mức lên gần 229 tỷ đồng vào cuối quý 4, chủ yếu là thành phẩm với gần 223 tỷ đồng. (2) Đầu tư dài hạn khác tăng từ mức gần 36 tỷ đống lên gần 220 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào CTCP DAP-Vinachem với 219.5 tỷ đồng, nắm 21.9 triệu cổ phiếu tưng ứng 15% vốn điều lệ ở công ty này. (3) Đáng chú ý nhất là khoản Phải thu ngắn hạn của khách hàng khi tăng đột biến từ 133 tỷ đồng cuối quý 3/2014 lên mức 630 tỷ vào cuối quý 4.

Trong khi đó, nguồn tài trợ cho sự gia tăng “thần kỳ” này đến từ các nguồn: (1) Phải trả cho người bán ngắn hạn tăng từ mức 103 tỷ đồng cuối quý 3/2014 lên mức lên gần 759 tỷ đồng vào cuối quý 4. (2) Vay nợ (ngắn hạn+dài hạn) tăng từ 104 tỷ đồng lên 364 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy tài sản và nguồn vốn của QBS tăng nhanh chủ yếu tập trung ở khoản phải thu ngắn hạn khách hàng và phải trả cho người bán ngắn hạn. Xét về mặt chỉ số thanh khoản thì sự gia tăng này không ảnh hưởng nhiều lên khả năng thanh toán của QBS. Tuy nhiên, điều này vẫn ẩn chứa rủi ro, đặc biệt là khi các khoản mục vừa nêu không được thuyết minh rõ ràng ngay cả trong BCTC kiểm toán của năm. Do đó, cũng sẽ không quá bất ngờ khi giới đầu tư e ngại về sự gia tăng tài sản một cách đột biến này và đẩy mạnh bán ra cổ phiếu QBS.

Điều gì có thể thu hút giới đầu tư?

QBS đang hoạt động trong lĩnh vực phân bón (chiếm 72% tổng doanh thu năm 2014), hóa chất (22%) và dịch vụ kho bãi (chiếm 6%). QBS có vị thế khá tốt trong mảng phân bón và hóa chất giúp đảm bảo hoạt động kinh doanh, và đây có thể là yêu tố quan trọng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Năm 2015, QBS tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng tích cực với doanh thu 2,800 tỷ đồng, tăng 5.46% so với 2014 và lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng, tăng 25%. Kết thúc quý 1/2015, doanh thu của QBS đạt 751.6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 26.8% và 23.7% kế hoạch năm.

Sau khi công bố KQKD quý 1/2015, cổ phiếu QBS đã tiếp tục có những phiên tăng trần với khối lượng giao dịch tiệm cận mức trung bình kể từ niêm yết đến nay. Cổ phiếu QBS hiện đang giao dịch với mức định giá P/E và P/B lần lượt 5.66 và 0.84 lần. Tuy nhiên, những giải thích về các khoản phải thu – phải trả chưa xuất hiện cùng với rủi ro pha loãng tăng cao trước kế hoạch tăng vốn “khủng” gấp đôi từ 320 tỷ đồng lên 640 tỷ đồng có lẽ sẽ tiếp tục khiến giới đầu tư e ngại.

Chỉ số tài chính của QBS (Nguồn: VietstockFinance – Đvt: triệu đồng)

Duy Nam