Nên hay không… bỏ lãi suất cơ bản?

Nên hay không… bỏ lãi suất cơ bản?

Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tại phiên họp thứ 38, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.

Lãi suất cơ bản - chỉ Việt Nam mới có?

Điều 483 dự thảo BLDS sửa đổi quy định quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản (LSCB) do NHNN công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho rằng, việc sử dụng LSCB do NHNN công bố là phù hợp, bởi vì đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có sự thay đổi linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng phù hợp với quy định “NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, LSCB và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi” (Luật NHNN).

 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, hoàn toàn không có khái niệm LSCB, các nước cũng không có. "Giả định nói các nước có LSCB, nếu lãi suất này bằng 0% như ở Mỹ thì không lấy gì mà xử lý được. Ban soạn thảo cần xem lại từ ngữ cho hợp lý”, ông Giàu đề xuất.

Song không ít ý kiến lại băn khoăn cho rằng, nếu bỏ LSCB thì lấy gì làm thước đo để xử lý tội cho vay nặng lãi. Giải đáp vấn đề này, ông Giàu cho rằng, có thể NHNN sẽ công bố một mức lãi suất trên cơ sở bình quân lãi suất cho vay của 3 loại nhóm ngân hàng quy mô lớn, quy mô trung bình và quy mô nhỏ với thời hạn cho vay từ 1 năm trở lên sẽ là hợp lý hơn để xử lý vấn đề cho vay nặng lãi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, mặc dù theo cơ chế thị trường mà quy định ra LSCB thì rất khó khăn trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng quan điểm của ông là nên có LSCB để có khung, khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh chính sách liên quan đến vấn đề lãi suất, tránh việc xảy ra cho vay nặng lãi hoặc lợi dụng điều này để trốn thuế.

“Chúng ta có Luật Hình sự quy định tội cho vay nặng lãi, Luật Dân sự quy định có LSCB, cho vay vượt 150% LSCB phạm tội cho vay nặng lãi, ba là Luật NHNN quy định có LSCB và bốn là Luật các TCTD thì cho phép các bên thoả thuận lãi suất. Như vậy bỏ hay không bỏ LSCB là vấn đề lớn, nên trình Quốc hội 2 phương án đó để cho rõ ràng và dứt điểm”, ông Hiển đề xuất.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, các nước không có quy định LSCB trong Bộ luật Dân sự mà quy định rất cụ thể. Lãi suất cho vay dựa trên cơ sở thu nhập bình quân một năm của người dân như thế nào để phân biệt thế nào là vay nặng lãi hay không.

Nhưng theo ông Cường, “ở nước ta, đồng tiền không ổn định nên Bộ luật Dân sự lấy LSCB làm cơ sở và yêu cầu NHNN công bố LSCB làm định mức vừa để xử phạt hình sự, vừa để hạn chế việc bắt bí nhau trong quan hệ dân sự nên quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% LSCB”.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, rất nhiều khoản vay trong dân cư đã vượt qua 150% LSCB, nếu cứ đem ra xử lý là rất khó. Vì thế khi Chính phủ trình Luật NHNN và Luật các CTTD thì có phân biệt 2 loại. Một loại là cho vay giữa các ngân hàng với nhau và cho vay giữa ngân hàng với khách hàng. Vấn đề lãi suất ở đây phụ thuộc vào tính khả thi và tính rủi ro của dự án. Trong khi mức độ tin cậy của dự án có thể thấp, có thể cao, mức độ rủi ro vì thế cũng có thể lớn. Nên nếu khống chế lãi suất cho vay của các ngân hàng không được vượt quá 150% hay 200% LSCB chẳng hạn là sẽ “bó tay” các ngân hàng và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì thế ngân hàng được quyền vượt quá khung trần này và được quy định trong luật chuyên ngành.

Về cho vay trong dân sự, trong quá trình Chính phủ thảo luận thống nhất, nếu Bộ luật Dân sự tiếp tục quy định LSCB, NHNN sẽ phải thực hiện công bố với tư cách là NHTW. Nhưng không phải hàng năm hay 6 tháng mà tuỳ theo thị trường, tuỳ theo sự ổn định của đồng tiền, NHNN sẽ quyết định LSCB.

Dương Công Chiến

thời báo ngân hàng