Vui hay buồn?

Vui hay buồn?

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định rằng thời gian tới Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới. Mới nghe, không ít người mừng thầm vì nghĩ rằng chúng ta đã thật sự "thay da đổi thịt”.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ vấn đề thì thật sự không thể vội mừng. Từ trước đến nay khi đề cập đến các nước khác người ta liên tưởng đến những sản phẩm mà nước đó tạo ra. Nhưng với chúng ta, tới nay vẫngần như không để lại dấu ấn về dòng sản phẩm công nghiệp nào cho người tiêu dùng thế giới. Và, cho đến thời điểm ngành công nghiệp của cả thế giới ầm ầm phát triển theo hướng tinh gọn, hiện đại thì ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn ì ạch tìm hướng đi...

Vui hay buồn khi thời gian gần đây các công ty đa quốc gia liên tục thoái lui ở thị trường các nước để đầu tư vào Việt Nam vẫn vì lý do giá nhân công rẻ? Theo nhà đầu tư, chi phí lao động tại Việt Nam chỉ bằng ½ so với Trung Quốc, Philippines, Thái Lan… Như vậy đối với nhà đầu tư nước ngoài, bất kỳ ở thời điểm nào giá nhân công Việt Nam cũng rẻ hơn so với thị trường khác. Mới đây, các nước ngỡ ngành khi nhiều nhà đầu tư lại "chạy nước rút” vào Việt Nam nhằm chiếm vị thế độc tôn trong việc đón đầu các hiệp định thương mại tự do như: Việt Nam - EU, TPP, Liên minh Hải quan… Giới chuyên gia kinh tế băn khoăn, DN trong nước chưa có bước chuyển mình, thậm chí chưa định hướng được việc đầu tư trong tương lai ra sao thì nhà đầu tư nước ngoài đã nối nhau chiếm thị phần của chúng ta.

Vui hay buồn khi ngành công nghiệp Việt Nam vài năm trở lại đây tăng trưởng bình quân gần 20%, vượt xa các nước trong khu vực. Tuy nhiên điều đáng lư ý làcó đến 65 - 70% kim ngạch xuất khẩu do DN nước ngoài đóng góp. Trong 65-70% kim ngạch xuất khẩu thì tỷ trọng hàng hóa gia công chiếm phần nhiều. Nghĩa là DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mở nhà xưởng chủ yếu gia công. DN nước ngoài gia công sản phẩm dựa trên nhân công Việt Nam. Rõ ràng đối với Việt Nam, nhà đầu tư ngoại đang trở thành những ông chủ giỏi giải quyết việc làm một cách tốt nhất. Điều này đồng nghĩa, nếu Việt Nam có trở thành công xưởng của thế giới thì DN và lao động Việt cũng chỉ đứng ngoài "sân chơi”.

Vậy nên, Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới thì cũng khó có thể nói là vui hay buồn. Nhưng để thực sự vui thì cần tiếp tục có những thay đổi gia tăng giá trị cấu thành sản phẩm từ công nghệ và chất xám chứ không chỉ thuần túy từ việc nhân công giá rẻ.

Thanh Giang

đại đoàn kết