Xu hướng giảm vay nợ của doanh nghiệp trên TTCK

Xu hướng giảm vay nợ của doanh nghiệp trên TTCK

Các doanh nghiệp đang giảm mạnh việc vay nợ bất chấp lãi vay giảm mạnh, thay vào đó tăng cường huy động qua phát hành cổ phiếu. Điều này giúp cấu trúc vốn của các doanh nghiệp an toàn hơn, nhưng đây là tín hiệu không vui đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Chi phí lãi vay tiếp tục góp sức cho lợi nhuận tăng trưởng

Thống kê của Vietstock cho thấy doanh thu của các công ty cổ phần đang niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2014 với mức tăng đến 13.3%, tương ứng với hơn 1 triệu tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong năm 2014 cũng tăng trưởng tích cực khi đạt 159,965 tỷ đồng, tăng 13.8%. Mức tăng của lợi nhuận gộp cao hơn mức tăng của doanh thu là nhờ vào tỷ lệ lãi gộp tiếp tục cải thiện khi đạt 15.9%, trong khi năm trước là 15.8%. Đáng chú ý, tỷ lệ lợi nhuận gộp này được cải thiện ngay cả trong những năm môi trường kinh doanh còn khó khăn như 2011 và 2012.

Doanh thu và lợi nhuận gộp của toàn thị trường (Nguồn: VietstockFinance - Đvt: Tỷ đồng)

 

Chi phí lãi vay là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả lợi nhuận  trong giai đoạn 2011-2012 suạt giảm. Tuy vậy, xu hướng giảm lãi vay trong trong những năm gần đây đã đóng góp tích cực vào kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường.

Năm 2014, xu hướng giảm của chi phí lãi vay tiếp tục được duy trì. Theo đó, lãi suất đi vay trung bình của thị trường năm 2014 tiếp tục giảm xuống 5.69%, trong khi năm 2013 là 6.38%. Nhờ đó, mặc dù quy mô vay nợ tăng lên những chi phí lãi vay vẫn giảm 7.7% so với năm 2013 xuống mức 19,136 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay và LNTT giai đoạn 2011-2014 (Nguồn: VietstockFinance, Đvt: Tỷ đồng)

 

Lãi suất đi vay của doanh nghiệp giai đoạn 2011-2014 (Nguồn: VietstockFinance - Đvt: Tỷ đồng)

 

Doanh nghiệp không mặn mà với vay nợ

Mặc dù chi phí lãi vay giảm mạnh trong năm 2014 nhưng các doanh nghiệp lại không mặn mà sử dụng nợ vay trong giai đoạn này. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng của vay nợ trong năm 2014 là khá thấp, chỉ ở mức 1.1%, dù có nhiều doanh nghiệp mới niêm yết. Nguyên nhân chính có thể bắt nguồn từ xu hướng thoái nợ vay diễn ra đồng loạt khi tình hình kinh tế khó khăn, và doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh dù lãi suất giảm mạnh.

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp lại tăng lên đáng kể trong thời gian qua (chủ yếu thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu).

Quy mô nợ vay trong giai đoạn 2010-2014 (Nguồn: VietstockFinance - Đvt: Tỷ đồng)

 

Kết luận: Lợi nhuận của các doanh nghiệp trên TTCK cải thiện đáng kể trong thời gian qua có sự góp sức không nhỏ từ xu hướng giảm của chi phí lãi vay. Hoạt động đầu tư theo xu hướng này được giới đầu tư áp dụng triệt để khi tìm kiếm cổ phiếu tiềm năng. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới, khi chi phí lãi vay có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm xuống.

Các doanh nghiệp đang giảm mạnh việc vay nợ bất chấp lãi vay giảm mạnh, thay vào đó tăng cường huy động qua phát hành cổ phiếu. Điều này giúp cấu trúc vốn của các doanh nghiệp an toàn hơn, nhưng đây là tín hiệu không vui đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Duy Nam