Đặt cược bao nhiêu cho cửa lên của cổ phiếu JVC?

Đặt cược bao nhiêu cho cửa lên của cổ phiếu JVC?

Với lượng dư bán lớn (gần 23 triệu cp) trong phiên thứ sáu tuần trước (12/06) mà nhiều nguyên nhân đến từ việc cắt giảm margin và tiến hành giải chấp của các công ty chứng khoán khi chứng kiến việc lao dốc không phanh của JVC. Chính điều này, khiến cổ phiếu JVC rất có thể chịu áp lực call margin, lực bán cực mạnh vì thế đã chớm xuất hiện ngay mở phiên đầu tuần.

* Thấy gì ở trụ sở chính của JVC?

 

Tin xấu liệu đã tan?

Cổ phiếu JVC đã chịu áp lực bán sàn mạnh với hơn 2 triệu cp ngay từ đầu phiên. Song khác với các phiên trước đây khi bảng điện trơ trọi chỉ có người bán, thanh khoản cp phiên sáng nay (15/06) đã gia tăng mạnh mẽ khi lực cầu bắt đáy hấp thụ rất tốt lượng cung bán ra. Diễn biến tích cực này tiếp đà đến gần 10h đã hút hết gần 7 triệu cp giá sàn. Sau thời điểm này, giá cp JVC đã tà tà tăng giá và chốt phiên sáng đã gia tăng trở lại lên mốc 18,000 đồng/cp. Nhà đầu tư mua bắt đáy giá sàn ngay đầu phiên có vẻ đang khấp khởi vui mừng vì chỉ trong phiên sáng, tài khoản đã gia tăng gần 12%.

Lực bán trở mạnh ngay đầu phiên chiều khiến cổ phiếu này dập dình quanh tham chiếu rồi chốt phiên hôm nay với giá 17,100 đồng. Kỳ vọng trái chiều khiến thanh khoản của JVC tăng mạnh lên gần 12.5 triệu cp.

Đáng chú ý hơn cả, giao dịch của NĐTNN đối với cổ phiếu JVC cũng khá bất thường trong phiên hôm nay khi đã bán ròng hơn 2 triệu cp.  

Trao đổi với người viết, trưởng nhóm môi giới tại một CTCK lớn tại TPHCM lưu ý nhóm nhà đầu tư nhỏ nên thận trọng, suy xét thông tin đa chiều trước khi “bắt dao rơi” hay mua đuổi. Việc thoát hàng tất tay như diễn biến của hai phiên cuối tuần qua được đánh giá là bất bình thường và thường chỉ xảy ra trong trường hợp doanh nghiệp có thông tin xấu thực sự.

Diễn biến giao dịch của cp JVC phiên đầu tuần (15/6)

Trước đó, khi thông tin “Hiện tại JVC vẫn đang hoạt động bình thường” từ ban lãnh đạo công ty được công bố chính thức trên website vào chiều thứ 7 (13/06), lướt qua các diễn đàn, bên cạnh những nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn thì một số nhóm khác đã  bày tỏ những quan điểm bán tín bán nghi về thông tin lẫn yếu tố tin cậy đối với công văn ngắn gọn do Chủ tịch Lê Văn Hướng ký tên. 

Có thể thấy, thông tin đính chính là chưa đủ để tạo niềm tin trên thị trường chứng khoán. Cửa lên trong thời gian tới của cổ phiếu này phụ thuộc vào rất nhiều động thái của ban lãnh đạo và nhóm cổ đông lớn của JVC.

Tình hình khớp lệnh, đặt mua và đặt bán cp JVC trong phiên 15/06

 

 
Nguồn: VietstockTrader

Trước cơn bão, JVC thế nào?

Nhìn chung, JVC vốn được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là một cổ phiếu có cơ bản tốt, được nắm giữ bởi nhiều tổ chức lớn như DI Asian Industrial Fund, Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… Thanh khoản của JVC luôn tính bằng số lượng triệu cổ phiếu. Hiện JVC đã “kín room” khi khối ngoại đã nắm đến 49% tỷ lệ sở hữu. Trong đó DI Asian Industry đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 19.4%. Chủ tịch Lê Văn Hướng đang sở hữu 11.9% cổ phần tại JVC và là cổ đông lớn thứ hai tại công ty.

Kể từ khi niêm yết, quá trình bành trướng quy mô của JVC cũng diễn ra rất nhanh. JVC có 4 lần phát hành cổ phiếu tăng vốn để phục vụ hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh. Vốn điều lệ hiện tại của JVC đạt 1,125 tỷ đồng, gấp 5 lần so với thời điểm mới niêm yết năm 2011.

Quá trình tăng vốn của JVC từ giai đoạn niêm yết (2011) đến nay

 

Tính đến cuối quý 1/2015, JVC hiện đang có tổng tài sản là 2,551 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền mặt 500 tỷ, phải thu gần 900 tỷ, tồn kho 350 tỷ và tài sản cố định hơn 450 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, sau khi bất ngờ sụt giảm mạnh năm 2013 do các dự án mua sắm thiết bị y tế của chính phủ và World Bank ngừng giải ngân trong năm này, năm 2014 JVC đã ổn định trở lại đường đua tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 923 tỷ và 178 tỷ đồng.

Theo như BCTC hợp nhất năm 2014, doanh thu từ bán thiết bị vật tư chiếm khoảng 83% tổng doanh thu của JVC. Trong đó thiết bị chẩn đoán hình ảnh là sản phẩm kinh doanh chủ lực, công ty hiện chiếm khoảng 40% thị phần cung cấp loại thiết bị này ở Việt Nam. Cũng trong năm này, JVC mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, bao gồm thành lập các trung tâm y khoa chất lượng cao (CNC) và các xe khám lưu động tại các khu công nghiệp. Hiện tại, JVC đang sở hữu 30 xe khám lưu động và công ty đã đầu tư thêm 100 xe mới với tổng giá trị 140 tỷ đồng, nâng số xe khám lưu động lên 130 xe.

EPS của JVC tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, với trên 3,046 đồng/cp trong năm 2014.

Kết quả kinh doanh của JVC từ năm 2008 đến nay

 

Gia Nguyên