Để bức tranh kinh tế - xã hội “chuẩn” hơn

Để bức tranh kinh tế - xã hội “chuẩn” hơn

Bức tranh kinh tế - xã hội sẽ không chuẩn và có những sai lệch nếu một quốc gia không xây dựng được một hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội đầy đủ và mang tính tuân thủ cao.

Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, khiến một số chuyên gia kinh tế đã từng nói rằng “số liệu không đúng thì không thể có chính sách đúng”.

Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cần theo hướng rõ ràng, tường minh

“Các thước đo chúng ta dùng ảnh hưởng đến việc chúng ta làm. Và nếu thước đo chúng ta dùng là kém/sai, các quyết định của chúng ta sẽ bị méo mó”, theo Báo cáo gần đây của Ủy ban về đo lường phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội (do nhóm tác giả là các nhà kinh tế nổi tiếng Joseph Stiglitz, Amartya Sen và Jean Paul Fitoussi thực hiện).  Hàm ý của báo cáo này nói về độ chuẩn xác và tin cậy của hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Hệ thống chỉ tiêu là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhằm cụ thể hóa các mục tiêu định hướng trong từng giai đoạn phát triển, đồng thời là cơ sở để đề ra và giám sát việc triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch. Như vậy, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành hệ thống thông tin thống nhất, thông suốt và hiệu quả nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin giúp phân tích, đánh giá sát đúng tình hình kinh tế-xã hội.

Với Việt Nam hiện nay, đang nổi lên vấn đề thiếu các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như để đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế liên quan đến năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng lực cạnh tranh quốc gia…

Một số chỉ tiêu khó có thể thu thập số liệu hoặc việc tính toán không khả thi, còn mang tính hình thức, không phản ánh được sự phát triển thực chất của nền kinh tế. Có những chỉ tiêu mang tính thông tin, định hướng nhưng khó xác định chính xác như tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội không đồng bộ, không gắn với các nguồn lực về tài chính nên chỉ mang tính chất “có cho đủ”, chứ thực chất không có đủ nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu có phương pháp tính rất khác nhau giữa Trung ương và địa phương, dẫn đến những chênh lệch số liệu đáng kể. Một minh chứng rõ ràng nhất là chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước. Tốc độ tăng GDP của các tỉnh hàng năm thường cao từ 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP tính chung của cả nước.

Bên cạnh đó, phương pháp tính của nhiều chỉ tiêu hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó làm hạn chế khả năng so sánh chỉ tiêu của quốc gia với các quốc gia khác. Ví dụ như các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP; chỉ tiêu về nợ công; dư nợ của Chính phủ và dư nợ quốc gia/GDP; chỉ số giá tiêu dùng… Ngoài ra, việc thông tin chưa được cung cấp kịp thời, tính toán chưa chính xác, thiếu đồng bộ, cách hiểu về các chỉ tiêu khác nhau cũng gây nhiều khó khăn cho công tác theo dõi, đánh giá và ra quyết định của các cơ quan quản lý.

Thực trạng nêu trên cũng cho thấy, việc hoàn thiện, đồng bộ các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Một hội thảo mang tên: “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” đã được Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, WB tại Việt Nam và trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức. Trên cơ sở thảo luận, phân tích sâu về những nguyên nhân của thực trạng bất cập trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hiện nay, hội thảo đã đưa ra những đề xuất quan trọng.

Theo đó, một mặt cần đánh giá lại toàn bộ hệ thống chỉ tiêu hiện hành trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm, làm rõ chỉ tiêu nào tiếp tục sử dụng, chỉ tiêu nào cần loại bỏ, chỉ tiêu nào không phù hợp với thông lệ quốc tế và chỉ tiêu nào cần điều chỉnh, bổ sung.

Mặt khác, cũng cần có hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội áp dụng cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm trong thời gian tới. Đi kèm với đó là phương pháp tính, tính khả thi và sự phù hợp với thông lệ quốc tế của hệ thống chỉ tiêu được đề xuất. Đa số các đại biểu cho rằng, cần xây dựng và áp dụng hệ thống chỉ tiêu trên nguyên tắc quản lý theo kết quả, đơn giản và dễ hiểu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, nêu rõ phương pháp tính toán các chỉ tiêu; vai trò của các cơ quan kế hoạch và thống kê; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Cùng với đó là công tác theo dõi, rà soát đánh giá kết quả thực hiện và các chế tài xử lý những vi phạm trong việc cung cấp thông tin số liệu thống kê...

Đỗ Lê

Thời báo ngân hàng