ĐHĐCĐ Beton 6: Thông qua phương án hủy niêm yết

ĐHĐCĐ Beton 6: Thông qua phương án hủy niêm yết

Phương án hủy niêm yết doanh nghiệp đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CTCP Beton 6 (HOSE: BT6). Theo tiến trình tái cơ cấu từ cuối quý 4/2014, ban lãnh đạo BT6 nhận định có thể xem đây là một bước lùi để doanh nghiệp gầy dựng lại nội lực của chính mình trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Cầu, Chủ tịch HĐQT BT6 (người ngồi) và ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc BT6 (người đứng phát biểu) tại ĐHĐCĐ thường niên BT6 sáng ngày 25/6

Sáng ngày 25/6 ĐHĐCĐ đã tổ chức với sự tham gia các cổ đông đại diện cho 28 triệu cp, tương ứng 85% tỷ lệ biểu quyết có mặt tại đại hội.

Một bước lùi...

Rất đáng chú ý trong Đại hội lần này, theo ý kiến bổ sung của nhóm cổ đông lớn, ban lãnh đạo BT6 đã đệ trình phương án hủy niêm yết gần 33 triệu cp trong năm nay. Mục tiêu của phương án nhằm tập trung việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tập trung phát triển doanh nghiệp.

Ờ trường hợp đầu tiên, BT6 sẽ mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ làm cổ phiếu quỹ. Theo đó, BT6 sẽ dùng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và/hoặc quỹ đầu tư phát triển theo số liệu ghi nhận trên BCTC hợp nhất năm 2014 với giá mua là giá đóng cửa trung bình 4 tháng gần nhất (từ 1/1/2015 đến 30/4/2015), theo đó mức giá tối đa được đưa ra là 8,210 đồng/cp.

Phương thức mua lại cổ phiếu sẽ được thực hiện qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Chi tiết hơn về thời gian thực hiện, tờ trình có ghi rõ, trong mỗi ngày giao dịch, việc giao dịch cổ phiếu quỹ chỉ được phép đặt lệnh mua lại cp với tổng khối lượng đặt lệnh từ 3-10% khối lượng đăng ký mua. Ngoài ra, việc mua lại cp phải kết thúc trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch theo quy định (kể cả trường hợp thay đổi phương án mua lại cp). Do vậy thời gian thực hiện dự kiến đối với BT6 khoảng 10 ngày giao dịch.

Trường hợp thứ hai, các thành viên HĐQT và/hoặc cổ đông lớn mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ, giao dịch sẽ thực hiện công bố thông tin khi đăng ký mua và kết thúc mua theo quy định. Giá mua sẽ do HĐQT và/hoặc cổ đông lớn quyết định.

Tại Đại hội, không ít cổ đông tỏ vẻ lo lắng vì thời gian dài nắm giữ cổ phiếu lâu nhưng không nhận được cổ tức, giá cổ phiếu cũng không hề tăng, kỳ vọng sắp tới vào sự chuyển mình của doanh nghiệp trong thời gian tới thì giờ ban lãnh đạo đề ra phương án hủy niêm yết. Đặc biệt trong số này có vài cổ đông hiện đã và đang làm việc tại BT6 cả chục năm trời, nắm giữ cổ phiếu này ngay từ ngày doanh nghiệp cổ phần hóa.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Cầu, Chủ tịch HĐQT BT6 đưa ra lời khuyên nếu là cổ đông trong công ty nên tiếp tục nắm giữ cp và kỳ vọng sắp tới của doanh nghiệp, vì những người đã và đang cùng làm trong công xưởng của BT6 chính là những người nhận thấy rõ được sự thay đổi. “Nếu có bán lại hãy bán cho tôi, vì tôi đang muốn gom cổ phiếu  BT6” ông Cầu khẳng định.

Sau một hồi thảo luận, tờ trình hủy niêm yết cũng đã được thông qua tại Đại hội.

Tỉnh giấc ngủ đông

Nhận định thị trường sản phẩm công nghiệp, thi công xây lắp nói chung, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc BT6 cho biết tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nhà nước. Ví như trong thời gian trước, nhà nước kiểm soát và thắt chặt đầu tư công khiến những hơn 17 doanh nghiệp trong ngày dần… rơi rụng, hiện chỉ còn 7 doanh nghiệp trụ lại, nhưng trong số đó đã có 3 đơn vị ngoi ngóp, chết lâm sàng.

Trong năm 2015, ban lãnh đạo BT6 đề ra kế hoạch doanh thu là 1,250 tỷ đồng với EBITDA tương ứng lớn hơn 10%. Theo lời vị chủ tịch chia sẻ, hiện từ đầu năm đến nay BT6 đã nhận được đơn đặt hàng với doanh số đủ với mục tiêu đề ra cho cả năm, vì thế ông tỏ ra khá tự tin trong việc sẽ hoàn thành được mục tiêu doanh thu trong năm nay.

Ngoài ra, năm 2015, BT6 đề ra một số chỉ tiêu cơ bản khác như thu hồi nợ/tổng nợ giảm 20%, giảm 20% tồn kho thành phẩm; giảm chi phí sản xuất và logistics tối thiểu 5%. Đồng thời, trong năm này BT6 sẽ phát triển và áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới (tập trung các sản phẩm bê tông lắp ghép – segment). Dẫn lời chia sẻ của ông Cầu, đây là một công nghệ nhận chuyển giao từ đối tác Nhật nhằm đón đầu các công trình ngầm của các thành phố lớn trong tương lai. Đơn cử đầu tiên là tuyến đường ngầm Metro được dự kiến xây dựng tại TPHCM trong thời gian tới. Với kế hoạch này, ngay từ đầu năm, BT6 đã đẩy mạnh công tác R&D, thành công bước đầu là sản xuất thử thành công sản phẩm segment, đang giới thiệu cho các công trình đường hầm của thành phố, bên cạnh đó, hàng loạt cải tiến hiệu quả đã và đang được áp dụng trong sản xuất tại các nhà máy. 

“Sau hơn một giai đoạn dài ngủ đông, BT6 dần đi vào quỹ đạo tăng trưởng với mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng và thương hiệu vang bóng một thời của hơn chục năm về trước”, ông Cầu quả quyết tại Đại hội.

Chia sẻ rất nhiều về triển vọng sắp tới song ban lãnh đạo BT6 cũng đưa ra không ít điểm yếu và những rủi ro trong chính nội tại doanh nghiệp. Đơn cử như năng lực đấu thầu của BT6 còn yếu để dành được các dự án lớn từ các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách. Công nợ tồn đọng, sản phẩm tồn kho lớn, công nghệ sản xuất còn lạc hậu trong khi hệ thống quản lý cồng kềnh chưa hiệu quả... Trong khi đó lợi nhuận của các sản phẩm truyền thống (cọc vuông, beton tươi), thi công xây lắp còn thấp, việc tái cơ cấu nhà máy 3D sẽ có nguy cơ mất khoảng 3-6 tháng sản lượng/doanh thu năm 2015.

Huy động 400 tỷ đồng cho ngân sách đầu tư

Nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, công nghệ và sản phẩm mới, cổ đông đã thông qua ngân sách đầu tư trong năm 2015 là 400 tỷ đồng mà HĐQT BT6 đưa ra. Số tiền này có thể được huy động từ nhiều phương án khác nhau, từ (1) việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chiến lược hay (2) phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi 1 năm, hoặc (3) vay trung, dài hạn…

Với phương án huy động vốn thông qua phát hành, BT6 sẽ phát hành tối đa 40 triệu cổ phần với giá phát hành không thấp hơn mệnh giá.

Còn với phương án phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn lớn hơn 1 năm, BT6 sẽ phát hành 4 triệu trái phiếu với mệnh giá 100,000 đồng. Thời gian chuyển đổi từ 1-5 năm kể từ ngày phát hành.

Nếu thực hiện, thời gian thực hiện dự kiến của hai phương án đều trong giai đoạn 2014-2016.

Đức Phương