ĐHĐCĐ ICF: Dự án bất động sản “đứng”, thủy sản vẫn còn khó khăn

ĐHĐCĐ ICF: Dự án bất động sản “đứng”, thủy sản vẫn còn khó khăn

Sáng 19/06, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản (Incomfish - ICF) đã thông qua kế hoạch 2015 với những con số tăng trưởng nhưng tình hình kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.

ĐHĐCĐ thường niên ICF diễn ra sáng ngày 19/06

“Nóng” chuyện chia hay không chia cổ tức

Kết thúc năm 2014, sản lượng xuất khẩu của ICF ở mức 1,074 tấn, tăng 30%; tổng doanh thu 219 tỷ đồng, tăng 57% so năm 2013; lợi nhuận sau thuế 4.8 tỷ đồng, tăng 221%. Với kết quả này, HĐQT trình phương án không chia cổ tức.

Tuy nhiên, cổ đông đề xuất nên chia cổ tức nếu không bằng tiền mặt được thì bằng cổ phiếu để động viên vì nhiều năm qua không có cổ tức, đồng thời cũng tăng vốn điều lệ để tạo những con sóng trên thị trường.

Tuy nhiên ban lãnh đạo lý giải, phát hành cổ phiếu trả cổ tức thì phải có dự án mới phát hành được. Bật lại, cổ đông phân tích rằng phát hành trả cổ tức không cần phải có dự án mà chỉ cần lấy từ thặng dư vốn cổ phần 24 tỷ đồng.

Tuy nhiên ban lãnh đạo tiếp tục đề nghị bỏ phiếu thông qua hay không việc trả cổ tức 2014 và không nêu ý kiến khác. Cuối cùng sự đôi co giữa cổ đông và ban lãnh đạo cũng được chốt bằng việc không chia cổ tức 2014.

Hiện ICF có vốn điều lệ 128 tỷ đồng, trong đó HĐQT đã chiếm tới 32.5%, cổ đông cá nhân chiếm 59.77%, cổ đông tổ chức 5.26%.

Vốn vẫn bị “chôn” tại nhiều dự án bất động sản

Theo ban lãnh đạo ICF, 2014 là năm vô cùng khó khăn về nguồn nguyên liệu, tình hình dịch bệnh vẫn chưa khắc phục được, cung không đủ cầu và rối loạn về giá những tháng 5-7, 9-10. Đặc biệt giá nguyên liệu tăng liên tục trong khi những tháng cuối năm giá bán lại giảm do nhu cầu không cao. Bên cạnh đó, ICF cũng bị áp thuế chống bán phá giá POR8 là 6.38%, trong khi Thái Lan chỉ ở mức 1.1%, Ấn Độ 2.49%. Từ đó làm giảm sức cạnh tranh, giá bán thường cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước trong khu vực từ 5-10%.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu năm 2014 của ICF vẫn là các thị trường truyền thống như EU (61.75%), Nhật (27.25%), Mỹ và các thị trường khác (11%).

Năm qua ICF vẫn chưa thực hiện được hàng loạt dự án do tình hình khó khăn tài chính như dự án nâng cao công suất cấp đông IQF tăng thêm 1,000 kgs sản phẩm/giờ nhằm tăng sản lượng và mở rộng thị trường Mỹ, EU, Nhật…; dự án khu nhà trọ công nhân trên diện tích 2,734m2; dự án xây cao ốc văn phòng tại 32 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM và dự án trung tâm thương mại tại Linh Xuân, Thủ Đức.

Trong đó, đối với dự án cao ốc văn phòng tại Mạc Đĩnh Chi, ICF đã góp 39.6 tỷ đồng vào Công ty TNHH TMDV Saga để xây dựng nhưng do tình hình không thuận lợi từ 2008 đến nay nên khu đất này vẫn đang cho thuê. Còn dự án tại Thủ Đức, ICF đã góp 4.6 tỷ đồng vào Công ty TNHH TM Vega nhưng vẫn phải dời lại đến năm 2015-2016.

2015 sẽ tiếp tục khó khăn

Dựa vào những khó khăn trong năm 2014 cùng bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sự cạnh tranh quyết liệt, ICF đặt kế hoạch tổng sản lượng sản xuất 3,820 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm phần lớn với 3,720 tấn. Tổng doanh thu 307 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.7 tỷ đồng. Cổ tức từ 10-12% tùy thuộc vào kết quả thực tế đạt được.

Thị trường xuất khẩu chính vẫn là EU với 50-60%, Nhật 20-25%, Mỹ 10-15%, Asean, Trung Quốc và các nước khác 5%.

Trong năm 2015, ICF sẽ tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống và kết nối với các khách hàng Nhật Bản cho chương trình gia công cá chuyển đổi từ Trung Quốc sang Việt Nam. Giữ mối quan hệ kinh doanh lâu dài với CP Group.

Công ty cũng có kế hoạch giải thể thu hồi vốn từ ICF-US và ICF-EU trong tháng đầu năm 2015, kế hoạch đã xây dựng từ năm 2013 kéo dài đến nay vẫn chưa có đề án chi tiết. Hai công ty này gần như không hoạt động hiệu quả kể từ ngày thành lập cho đến nay, trong khi đó không có nguồn tài chính để bổ sung vốn lưu động.

Đối với ngôi nhà 106 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TPHCM, ICF lên phương án kinh doanh để sinh lời, nhiều năm qua tài sản này chỉ phát sinh chi phí bảo vệ mà không đem lại nguồn thu dù vốn bỏ ra không hề nhỏ.

Thanh Nụ